Tháng 12/1978, trung đội chúng tôi rời Ngã Ba Chớp-sâu trong đất Campuchia gần 30km – di chuyển về phía sau, đóng quân ở khu vực  Ngã Ba Tà Oan,  gần hậu cứ sư đoàn 7 bộ binh. Thời gian này không còn tải thương hay tải đạn mà gần như là dưỡng quân. Anh em được cán bộ chính trị sư đoàn quán triệt tình hình nhiệm vụ mới và qua học tập đều hiểu rằng mùa khô 1979 sẽ đánh lớn, đánh mạnh và đánh sâu hơn.

            Sau đó, đơn vị về lại rừng Nhum trên địa bàn xã Long Phước thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Về đây gần xóm làng, gần dân nên tinh thần thoải mái hơn. Vào cuối năm1978, chung quanh rừng Nhum, dân cư còn thưa vắng nhưng nơi đây đã bình yên trở lại với cuộc sống thường ngày ở vùng biên giới. Các chiến dịch của bộ đội ta trong những tháng mùa mưa đã đẩy lùi chiến tranh ra khỏi biên giới hàng chục cây số, đưa chiến tranh vào sâu trong lãnh thổ của những kẻ gây chiến. Không còn tiếng gầm rít của đạn pháo, không còn tiếng mìn nổ trong đường rừng như hồi tháng 6, tháng 7/1978. Gần như bữa nào cũng vậy, cơm chiều xong là anh em thả bộ ra nhà dân ăn kẹo đậu phộng, uống nước trà, hút thuốc đến tối mới về mà không cần phải mang theo súng. Đồng ruộng xanh tươi, những rẫy khoai mì non cuốn theo chiều gió. Người dân yên tâm vào rừng kiếm củi, chặt nhánh cây Nhum (tương tự như tàu lá dừa nhưng ngắn hơn và cứng hơn) làm chổi đem bán và giăng bẫy bắt thú.

Vào một buổi chiều, toàn bộ đơn vị được lệnh cơ động ra An Thạnh là xã biên giới thuộc huyện Bến Cầu cách cầu Gò Dầu gần 5 cây số. Trời tối mịt, chúng tôi mới đến xã Long Thuận thì nghe hàng loạt tiếng súng nổ dòn dã. Người dân cho biết là nghe radio nói hồi trưa bộ đội Việt Nam đã giải phóng Phnom Penh rồi, chính quyền xã bắn súng ăn mừng. Anh em mới biết đó là tối 7/1/1979. Ai ai cũng thấy vui sướng và nhẹ nhàng trong lòng vì mỗi người đều có đóng góp phần công lao vào chiến thắng to lớn này. Khi ra tới quốc lộ thì trời đã khuya lắm rồi, chúng tôi kê ba lô lên đầu ngũ một giấc ngon lành cho tới sáng ngay trên đường nhựa.

Sáng hôm sau, chúng tôi triển khai về xóm nhà dân gần sân vận động, nơi hàng ngày là trạm nghỉ cho xe vận tải của bộ đội trước khi xuất phát qua Campuchia. Chúng tôi được ở trong vườn xoài nhỏ của nhà bác Tám làm bánh tráng có một người con gái lớn đã lập gia đình tên Hiệp và hai đứa con còn nhỏ một đứa tên Vũng, một đứa tên Tát. Còn bác Tám trai thì đã mất từ trước giải phóng. Rất nhiều gia đình dọc theo quốc lộ 1 ở xóm này theo đạo Cao Đài, trong mỗi nhà đều có bàn thờ Thiên Nhãn.

Hồi đó, trung đội chưa ai được học dân vận là gì nhưng anh em được sinh họat ở trong dân thì phải nêu cao ý thức tổ chức kỹ luật, ở nhà dân thì phải tôn trọng và giúp dân. Sáng sớm hàng ngày, trung đội phân công nhau dọn vườn, gom lá khô, quét sân. Buổi chiều, xem lu khạp của gia đình còn ít nước thì kéo nước giếng lên đổ cho đầy, buổi tối đậy kỹ nắp giếng. Muốn mượn bếp nấu nước uống trà thì  xin phép bác gái chủ nhà và tắt lửa cẩn thận sau khi nước sôi. Chuyện tắm giặt vệ sinh thì đúng nơi đúng chỗ và phải sạch sẽ.

Mỗi lần vận chuyển thân cây khô từ rừng Nhum về, anh em đều xin bên hậu cần bộ đội một vài cây, về chặt ra từng khúc ngắn giúp gia đình dành dụm làm củi. Và ngày nào cũng vậy, khi hừng sáng thì đã thấy bác gái và chị Hiệp thay phiên nhau đỗ bánh tráng bên cái lò trấu đặt kế bên bụi tre trước nhà. Anh em vác vỉ bánh tráng đem đi phơi và khi chủ nhà cho biết bánh đã vừa khô rồi thì vác đem vô nhà. Có anh em nhiệt tình phụ gia đình gỡ bánh, gỡ cái nào bể cái đó nên chủ nhà cười và khuyên  đừng làm, không quen tay bánh bể bán không được. Ở An Thạnh có hai điều đặc biệt: một là người dân bất kể gái trai lớn nhỏ đều phát âm chữ “ r” rất rõ và hai là hoàn toàn không có muỗi, ngủ không phải giăng mùng. Tôi thường mắc võng ngủ trong chuồng trâu khá rộng bên hông nhà mà bác gái từ lâu rồi chỉ sử dụng làm nơi chất củi. Mái lá mát rượi, nền đất sạch sẽ, chung quanh không có vách, gió vườn hiu hiu nên giấc ngũ lúc nào cũng êm đềm, nhẹ nhàng.

Năm 1979,  đơn vị  ăn Tết ở nhà dân. Bác Tám mời nhiều anh em ăn bữa cơm cúng ông bà, tiễn đưa năm cũ đón mừng năm mới với gia đình. Trước khi vào mâm, tôi xin phép bác Tám được thắp nén hương trên bàn thờ và thay mặt anh em TNXP chúc Tết. Gia đình bác Tám và anh em TNXP ngồi trên bộ ván cuốn bánh tráng với rau sống rồi chấm thịt kho hột vịt  ăn ngon lành. Đã lâu rồi chúng tôi chưa về phép nên ai cũng có cảm tưởng rằng không khí đầm ấm ngày ấy tựa như bữa cơm sum họp ngày Tết ở nhà mình vậy. Ngoài thực phẩm của gia đình, chúng tôi đóng góp thêm phần thịt kho tiêu chuẩn Tết do đại đội phó đời sống Huỳnh Ngọc Điều chỉ đạo chị nuôi và các đội viên nữ nấu từ hôm trước.

Sáng mùng một, bác trai ở nhà gần đó mời qua ăn Tết toàn đồ chay. Được đổi món lạ miệng nên anh em ăn rất ngon. Nhà này ăn chay trường nên trồng bầu trồng mướp rất nhiều. Bác trai chủ nhà cho biết đất ở đây tốt, trái bầu lớn và dài nên không thể ăn hết một lần, ăn tới đâu cắt tới đó, phần còn lại vẫn treo trên giàn. Nhờ vậy lúc nào cũng có bầu tươi để ăn. Bầu nhiều ăn không hết, xắt thành cọng nhỏ đem phơi khô để dành ăn vào mùa mưa, nếu ăn mặn đem kho với cá đồng thì ngon lắm.

            Sau Tết, tôi được chỉ định làm một bản báo công cho trung đội để trình cấp trên khen thưởng. Chị Bùi Thị Sương (trưởng tiểu ban chính trị của Liên đội 303,  anh Điều (đại đội phó đời sống) và tập thể anh em trong đơn vị họp nhất trí thông qua bản báo công này. Điểm họp là sân rộng trước nhà mà trung đội đóng quân. Số liệu cụ thể thì bây giờ không còn nhớ nhưng tinh thần xuyên suốt toàn bộ nội dung bản báo công là : “Ngày không giờ, tuần không thứ ,sẵn sàng phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới” Trung đội B1,C2 của chúng tôi nổi tiếng là vua kéo pháo ở mặt trận Soài Riêng và được Trung đoàn 209 rất tín nhiệm. Chúng tôi đã di chuyển hàng chục khẩu pháo mặt đất và pháo phòng không vào trận địa với đầy đủ cơ số đạn để bộ đội kịp thời tạo sấm sét bất ngờ bẻ gãy các mũi tiến công của Khơme đỏ.

Tình dân sâu đậm nên ngày trung đội chuyển về căn cứ Lai Khê ở huyện Bến Cát (tỉnh Sông Bé) cả anh em TNXP và người dân, ai nấy cũng thấy buồn và lưu luyến. Sau này, có những chuyến công tác trở lại An Thạnh mà không ghé lại được để thăm bác Tám chủ nhà. Có một lần bác gặp và trách mắng:“ Nghe tụi bay về, tao nấu cơm làm sẵn thịt trâu xào khóm với hành lá mà không thấy đứa nào tới ăn”. Tôi nhớ ngày đầu tiên đến xin phép bác Tám cho chúng tôi ở nhờ trong vườn xoài, bác  dắt tôi ra bụi tre tuốt phía sau vườn và chỉ cái hầm chiến đấu hồi năm 1968 của giải phóng quân.

Mãi đến khoảng gần năm 1990, trong một chuyến công tác ở Tây Ninh, tôi có  dịp ghé lại thăm thì bác Tám và chị Hiệp vắng nhà, thằng Tát và con Vũng thì lớn bộn rồi. Mới đây, khi ngồi trên xe chạy ngang An Thạnh về lại Rừng Nhum, tôi không còn biết được căn nhà vách ván, mái lá, cột cây và vườn xoài năm xưa của bác Tám là ở chỗ nào nữa. Hai bên đường bây giờ gần như chỉ toàn là nhà tường, nhà lầu, cuộc sống dân vùng biên giờ đã đổi thay./.

 

Nguyễn Văn Nghĩa

Cựu TNXP Liên đội 303