VÕ NGUYÊN GIÁP – ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên giáp (25/8/1911-25/8/2021), người anh cả của Lực lượng vũ trang và Thanh niên xung phong Việt Nam, Ban Biên tập Website Hội cựu TNXP Thành phố Hồ Chí Minh xin giới thiệu sơ nét về tiểu sử và vài nét chấm phá về sự nghiệp của Đại tướng với lòng thành kính, biết ơn.
Khái lược tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tên khai sinh: Võ Giáp, bí danh: Văn) sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Ông học giỏi, sớm được cha mẹ giáo dục về lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược.
Những năm 1925-1926, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Trường Quốc học Huế và tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1927, Võ Nguyên Giáp gia nhập Tân Việt cách mạng đảng. Năm 1929, ông cùng một số đồng chí cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong 3 tổ chức đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những năm1934-1940, Ông dạy môn lịch sử ở Trường Trung học tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học luật và kinh tế.
Năm 1936, ông tham gia sáng lập và viết bài bằng tiếng Việt và tiếng Pháp cho các tờ báo của Đảng: Lao động, Tiếng nói chúng ta, Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng; tham gia phong trào Đông Dương đại hội và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Năm 1941, Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách Ủy ban Quân sự của Tổng bộ Việt Minh, tham gia chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, xây dựng căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng. Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp đọc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 cán bộ, chiến sĩ. Võ Nguyên Giáp được ủy nhiệm lãnh đạo chung. Ngay sau ngày thành lập, Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy trận Phai Khắt – Nà Ngần (25 và 26/12/1944), mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu”, “đánh tiêu diệt gọn” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Từ 1945-1947, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp quốc dân. Nổi bật là ngày 30/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền cho ông Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng tư lệnh kiêm Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy.
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp của quân đội, người Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Ngày 28/5/1948, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao quân hàm Đại tướng.
Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), tướng Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Quang Trung, Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Thượng Lào và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 đến 7/5/1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), khi quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam, nhiều nước bạn bè khuyên Việt Nam bỏ ý định đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhưng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Việt Nam sẽ thất bại nếu đánh theo kiểu chính quy của các nước lớn, nhưng người Việt Nam sẽ giành chiến thắng bằng cách đánh kiểu Việt Nam”.
Ngày 7/4/1975, Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh cho toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi rời vị trí lãnh đạo, quản lý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo dõi cập nhật tình hình thời sự trong nước, thế giới và luôn quan tâm, kịp thời đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với đất mẹ, tang lễ tổ chức theo nghi thức Quốc tang và được an táng tại Vũng Chùa, đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam từng nhận xét: “Võ Nguyên Giáp là tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy; là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.
Vị tướng trong lòng dân
Đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều trang sách, bài báo trong nước và nước ngoài cùng bạn bè quốc tế đã chia sẻ, nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự kính phục, ngưỡng mộ.
Sử gia người Anh Peter Macdonald, tác giả cuốn sách: “Giap-an assessment” từng viết: “30 năm trước, trước khi nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ngày 25/8/1911, ở làng An Xá (tỉnh Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Một nhà sử học người Mỹ Cecil Currey, cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ” không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”. Trong khi đó, Tướng Marcel Bigeard, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, cựu Thiếu tá, người đã từng tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ bình luận:“Ông Giáp đã chỉ huy quân đội Việt Nam chiến đấu giành thắng lợi trong một thời gian đặc biệt suốt 30 năm, một kỳ tích chưa từng thấy! Vâng, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
Cả cuộc đời mình, vị Đại tướng của nhân dân luôn đau đáu nỗi niềm sao cho đất nước được thái bình, nhân dân Việt Nam sống cuộc sống an lành. Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết:“Với mục tiêu cách mạng mới, cuộc đấu tranh yêu nước không những mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc mà còn mang lại tự do và hạnh phúc cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho toàn dân. Cuộc chiến tranh giải phóng đã trở thành cuộc chiến tranh toàn dân, một cuộc chiến tranh chính nghĩa “vì dân và do dân” có sức mạnh vô cùng to lớn quật ngã mọi kẻ thù”.
Dù Đại tướng đã đi xa, nhưng danh tiếng của một vị “Đại tướng anh hùng dễ mấy ai
Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài
Thắng hai đế quốc, bách niên thọ
Hoàn cầu có một, không có hai” vẫn còn vang mãi trong lòng dân.
Những vần thơ trên của cán bộ và nhân dân làng Thượng (xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) tặng Đại tướng cũng là tình cảm và sự kính trọng tài năng, đức độ, bản lĩnh của Đại tướng mà nhân dân Việt Nam nói chung và TNXP Việt Nam dành cho Ông vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi.
Ảnh :Lê Hòa,