Anh đầu bếp kỳ tài
Hãy trở về thời điểm của hơn ba mươi năm trước, những vui buồn của một thời là Thanh Niên Xung Phong, có thể những nhân vật còn hiện diện, có thể họ đã đi xa; không sao! trong tâm trí mọi người họ vẫn loanh quanh đâu đó và đang nheo mắt cười khi được nhắc trong “Chùm chuyện…”
Câu chuyện về “Anh đầu bếp kỳ tài”.
Năm 1975, tại số 4 A Duy Tân – Nhà Văn Hóa Thanh Niên thành phố ( nay là Phạm Ngọc Thạch), có một đơn vị Tnxp đóng quân (áo xanh) do anh Bê phó Phạm văn Gòn phụ trách, chịu trách nhiệm giữ trật tự, an ninh cho các em thiếu nhi thành phố dự Tết trung Thu lần đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng tại Dinh Thống Nhất.
Trước đó, 4 đại đội Tnxp Áo Xanh ( 20/7/1975) được vinh dự tham gia cuộc diễu hành trong Ngày Lễ Quốc Khánh 2/9/1975.
Cùng lúc ấy thì có đợt đổi tiền, giới nghiêm toàn thành phố, nhóm bị neo lại, thức ăn, lương thực được cấp đã cạn. Cũng may là anh em bên Thành đoàn hỗ trợ một ít bún khô và một ít rau củ quả …Thế là điệp khúc quả, củ, rau, bún khô lặp đi lặp lại đến nỗi ăn thì cứ muốn trào ra lỗ mũi (thiệt đó).
Người anh nuôi thấy tình cảnh như vậy, anh buồn bực, rầu rĩ cứ suy nghĩ, phải làm cái gì đó cho bữa ăn của đơn vị đỡ ngán, anh nhìn mây, nhìn trời, nhìn xung quanh và trời xui đất khiến thế nào mà đôi mắt anh lại dừng ngay một cái cây bã đậu ngay trước cổng Nhà Văn Hóa, và anh reo to : “có rồi ! có rồi !” kế đó anh cật lực kêu mọi người leo lên cây hái những tai nấm bám đầy quanh thân cây, phấn khởi, hồ hởi vì sáng kiến vĩ đại ấy, anh em nô nức phụ với đầu bếp rửa sạch, thái nhỏ xào với bún. Món ăn có thêm chất dinh dưởng, đỡ ngán!
Ở đời mấy ai học chữ ngờ , kỳ công ấy của ngưới anh nuôi không những không ghi vào ghinet Tnxp mà ngược lại còn gây cho đơn vị một nỗi “đau lòng xót dạ”.
Là vầy: sau khi ăn, tự dưng tất cả cảm thấy … rối bời. Và điều kế đến là những cái nhà vệ sinh được tận dụng tối đa (nghĩa là nhà tắm, nhà cầu) lúc trưa mọi người vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ ôm bụng nhăn nhó đến khổ sở,
những tiếng thúc hối : “ Ê ! xong chưa, lẹ lên cho tao nhờ cái” hay : “trời ơi! Tao hết chịu nỗi rồi, nhanh lên ..” cứ rân trời ! Tội nhất là ông anh nuôi, vì là người sáng tạo ra món ăn độc đáo nên cái sự thưởng thức cũng hơi bị nhiều, do đó sự đau khổ ấy anh gấp đôi người khác, đã vậy anh còn bị hạn chế quyền rút số vô toa lét vì là chủ nhân tác phẩm món ăn từ trên…cây bã đậu! . Nghĩ cũng tội, anh chỉ muốn cải thiện cho bữa ăn thôi mà, anh đâu có dè sự thể ra nông nỗi vậy. Cũng là bài học nhớ đời , cũng là một kỷ niệm không bao giờ quên dù bây giở chuyện ấy đã xa lắc gần bốn mươi năm .
… Người anh nuôi ấy tên Lương Công Chiến (C3) đang cùng uống cafe với tôi, anh đang trải lòng mà đôi mắt cứ nhìn …trên cao, tôi ngó theo hướng ấy: một cái cây bã đậu thật to ven đường ! gió thổi làm cành lá lao xao như thì thầm : ‘ ‘Xin chào anh đầu bếp năm xưa…”.
Chuyện chỉ có vậy thôi !
( Lương Công Chiến kể, Cẩm Hồng ghi).