Chuyện về người nữ thanh niên xung phong đầu tiên tham gia phục vụ Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất

small_1608

20 tuổi đời, 2 năm tuổi Đảng, có “thâm niên” 4 năm công tác tại Chiến khu Việt Bắc, người nữ y tá Lê Kim Hạnh – cô gái Hà Thành mảnh mai, duyên dáng – người phụ nữ đầu tiên, duy nhất tham gia Đội TNXP công tác do T.W Đoàn trực tiếp lãnh đạo trong năm đầu thành lập đã vinh dự được giao trọng trách sang Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ (lúc đó đóng tại tỉnh Yên Bái) xin giấy về trang trí Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào tháng 4/1950 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tại đây, Lê Kim Hạnh đã được gặp và chụp chung ảnh với Bác Hồ – kỷ niệm mãi không quên và mỗi lần ngắm hình bóng Bác, người nữ TNXP đầu tiên này lại bồi hồi, rưng rưng nước mắt.

 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, do bị tai biến mạch máu não, bác Lê Kim Hạnh không thể kể được nhiều về những tháng ngày gian khó nhưng rất đỗi tự hào nơi vùng chiến khu cáchmạng trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng qua ánh mắt, cử chỉ của Bác, tôi hiểu rằng hình ảnh vị cha già của dân tộc, người đã trọn đời vì nước vì dân đã in sâu trong tâm trí người nữ cựu TNXP và dòng máu nóng – bầu nhiệt huyết cách mạng vẫn không ngừng chảy trong huyết mạch của những con người làm nên một thời như bác. Giọng xúc động, nghe không còn tròn tiếng, bác Lê Kim Hạnh kể: Đại hội khai mạc đầu tháng 4/1950, toàn Đại hội rất vui mừng, phấn khởi được đón Bác đến dự và nói chuyện. Vai đeo túi thuốc, tôi kiếm được chỗ quan sát Bác rất rõ, hồi này Bác gầy hơn trước và tóc bạc nhiều. Tuy vậy, Bác vẫn nhanh nhẹn và rất vui. Giờ giải lao, Bác chụp chung ảnh với đại biểu, sau đó chụp riêng với anh chị em phục vụ Đại hội. Tôi may mắn được đứng gần Bác.

Đỡ lời bác Lê Kim Hạnh, đại tá Trần Chất, người bạn đời và cũng thuộc lớp người đầu tiên tham gia đội “cảm tử quân” của Liên khu I, người tiểu đội trưởng chỉ huy khẩu đội Ba-zô-ka lần đầu tiên bắn chìm tàu Pháp trên sông Lô năm 1947 – chiến công đầu tiên của Tiểu đoàn Bình Ca anh hùng – đơn vị kết nghĩa của T.W Hội LHPN Việt Nam – kể cho tôi nghe về những ngày đầu tham gia cách mạng của bác Lê Kim Hạnh.

Dường như số phận của bác luôn được chứng kiến những sự kiện từ lúc khởi đầu. 15 tuổi, bác đã nằng nặc xin vào làm việc ở Nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Viện quân y 108) phục vụ cách mạng và trở thành học viên lớp y tá đầu tiên của Bệnh viện sau Cách mạng Tháng Tám. Sau lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 12/1946), bác lại trở thành một trong những người đầu tiên tham gia chiến đấu trong đội hình của Liên khu I “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau đó trở thành chiến sỹ của Trung đoàn thủ đô. Khi Phòng Thương binh quân đội (cơ quan đầu tiên làm công tác thương binh, liệt sỹ trong phạm vi toàn quốc) được thành lập, bác là một trong những người đầu tiên về nhận công tác tại Phòng và được giao làm trưởng đoàn của đoàn đầu tiên đi vận động nhân dân ủng hộ thương binh, liệt sỹ. Khi thành lập Bộ Thương binh – Cựu binh, bác cũng là người đầu tiên được giao làm công tác thống kê số thương binh, liệt sỹ trong toàn quốc. Đến khi thành lập Đội TNXP công tác T.W, bác là người phụ nữ duy nhất của Đội trong năm đầu thành lập, đồng thời là nữ y tá TNXP đầu tiên trong lịch sử hơn 50 năm qua của TNXP Việt Nam. Toàn đội TNXP đầu tiên có 225 người chỉ có mình bác là y tá. Việc truyền đạt kiến thức y học thường thức vô cùng cần thiết. Bác đã đề xuất với Ban chỉ huy Đội xây dựng mạng lưới đội viên vệ sinh ở các phân đội, liên phân đội và trực tiếp hướng dẫn các biện pháp cấp cứu, băng bó vết thương, biện pháp phòng bệnh. Các đội viên vệ sinh lại hướng dẫn các đội viên khác. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh phòng bệnh mà Đội TNXP luôn đảm bảo quân số khoẻ cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Biên giới. Đặc biệt với nhiệm vụ vận chuyển thương binh, bệnh binh, Đội đã hoàn thành xuất sắc, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên dương trong buổi lễ mừng chiến thắng tổ chức tại thị xã Cao Bằng.

Nhờ những thành tích xuất sắc đạt được, bác Lê Kim Hạnh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa 18 tuổi. Đầu năm 1950, bác được điều về cơ quan T.W Hội LHPN Việt Nam giữa lúc cơ quan đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất. Tại đây, bác được giao nhiệm vụ sang Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ xin giấy các tông và các loại giấy khác về cuốn cột và trang trí hội trường Đại hội được xây dựng trong khu rừng lớn của huyện Đại Từ. Một mình vượt qua rừng cao, núi sâu, bao nỗi hiểm nguy rình rập nhưng bác đã vượt qua và niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào nhất trong đời bác là đã được gặp Bác Hồ và góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của Đại hội đầu tiên của phụ nữ Việt Nam.

( Sưu tầm)