KÝ ỨC MỘT THỜI của Trần Việt Sơn, tác phẩm đạt giải B cuộc vận động thi viết “Ký ức về TNXP” năm 2020.

( Tác giả thứ 5, từ phải qua)

 Kỷ niệm những tháng ngày ở C1 Xuyên Mộc

 HỌC ĐÀN GUITAR

Ngày đầu vào TNXP, ai thì không biết chứ riêng tôi cảm thấy tức tối khi không biết đàn. Cứ mỗi lần sinh hoạt tập thể mà người nào biết đàn như một ngôi sao, ai cũng quí, ai cũng trân trọng. Thế là phải học thôi. Một lần về phép, tôi đã năn nỉ ba tôi mua cho 1 cây đàn guitar. Các bạn có biết lúc đó mới giải phóng, cuộc sống rất khó khăn, cơm còn chưa có đủ ăn lấy tiền đâu mua, ba tôi vì thương tôi nên đã đi lại nhà 1 người bạn xin để lại 1 cây đàn cũ nhưng còn xài khá tốt. Khi lên Xuyên Mộc, tôi đã đi theo anh Phùng Hữu Thế xin học. Lúc đầu anh ấy đâu có chịu dạy vì tôi thuận tay trái, cầm đàn cứ ngược tay làm sao mà chỉ dạy được. Rồi anh Thế tuyên bố “mày không đổi tay cầm đàn thì tao không dạy nữa, chưa thấy thằng nào cầm đàn kỳ cục như mày, chưa hết, mỗi tuần 1 ly café kinh tế mới, chịu không? “. Tôi vì thích quá nên ừ ngay. Thuận tay trái mà cầm đàn tay mặt thật là gian nan, nhưng cố mãi thì cũng được thôi. Đầu ngón tay của bàn tay trái lúc đầu đau riết rồi chai dần, mới 2 tháng tôi đã đệm được những bài đơn giản, tôi vui lắm, vậy là tôi biết đàn guitar rồi các bạn ơi!

HÚT THUỐC LÀO

Đối với người ghiền thuốc lá như tôi, số lượng nhu yếu phẩm tiêu chuẩn hàng tháng chẳng thấm vào đâu, dù đó toàn những loại xịn mà trước 75 không mơ thấy được như: President, Cotab…. Rồi tiêu chuẩn ấy cũng cạn dần, có anh em đã mua đở thuốc củi (cũng là thuốc lá điếu nhưng bó thành từng bó 40 điếu như bó củi), nhưng nó khét và lạt nhách, hút vào ho thê thảm. Một lần, ra khu kinh tế mới Thạnh Sơn, thấy các bác thợ rừng đem theo 1 ống tre đổ nước vào rồi nhét thuốc vào đốt, hít vào nghe ro ro, chúng tôi hỏi thì mới biết đó là hút thuốc lào. Thú thiệt lúc đầu chúng tôi cứ tưởng họ đang hút thuốc phiện. Chúng tôi xin hút thử, ồ nó đã làm sao! Nhưng cũng có thằng hút vào rồi thử ém khói như thuốc lá, tức thì té bật ngữa, nằm 1 lát ngồi dậy nói “ ngon …” . Thấy cũng rẻ tiền và dụng cụ cũng dể kiếm và dễ làm, chúng tôi chuyển qua hút thuốc lào. Phải công nhận 1 điều, sáng sớm ngủ dậy mà chưa đánh răng súc miệng, hút vào 1 hơi thuốc lào tự nhiên tỉnh hẳn. Từ đó, không biết ai đó học được 2 câu thơ làm cho những người hút thuốc lào như tôi cảm thấy vui ra:

                               HÚT THUỐC LÀO NÂNG CAO SĨ DIỆN

                            THƠM MỒM BỔ PHỔI DIỆT TRÙNG LAO

Tôi cảm thấy hứng khởi nên chế thêm 2 câu :

                        TAY ĐÁNH DIÊM NHƯ QUAN CÔNG MÚA KIẾM

                  KHÓI MỊT MÙ NHƯ TÀO THÁO ĐỨNG TRƯỚC BA QUÂN

 THUỐC TRỊ BÁ BỆNH

Thời 75 mới giải phóng thống nhất đất nước, vấn đề thuốc trị bệnh phải nói là cực kỳ thiếu thốn, đối với chúng tôi, ngày đêm lao động vất vả dãi nắng dầm mưa, ai  mà không bệnh này cũng bệnh kia, nổi bật là cảm nắng, trúng nước nhức đầu… . Trong đơn vị cũng có 1 y tá là chị Ba Diệu, ngoài những thứ bông băng thuốc đỏ, tủ thuốc gần như trống trơn. Nhưng có 1 điều lạ là bất cứ đứa nào lên khai bệnh, chị cũng tươi cười cấp duy nhất 1 loại thuốc nâu nâu bắt uống tại chỗ, rồi sau đó ai cũng khỏe ra hết hẳn. Không biết đó có phải là do chúng tôi còn trẻ, sức đề kháng mạnh hay đó là loại thuốc thần dược nào đó. Tò mò tìm hiểu, rồi hỏi, rồi mới thấy dù bất cứ bệnh nào, chị Ba cũng cho 1 loại thuốc giống nhau, nó có tên là Xuyên tâm liên. Công nhận chị rất khéo, nói theo thời đại bây giờ là chị dùng liệu pháp tâm lý, đứa nào bị bệnh chị cũng đều động viên và xoa dịu “uống thuốc đi cho mau hết, về ngủ một giấc thì khỏe ngay, thanh niên gì mà yếu xìu, đứa nào khai bệnh hoài là trốn lao động hư lắm “ . Không biết do thuốc hay do lời động viên, nhưng  đó đúng là thuốc trị bá bệnh cho chúng tôi!

LÁC ÔI LÀ LÁC !

Ở đơn vị chúng tôi thời đó cứ 10 người nam  là hết 8 bị lác, nó là loại bệnh xuất hiện ở vùng kín hay vùng nhạy cảm. Nguyên nhân chính là do ở dơ và ẩm ướt, nó tạo nên những khoanh tròn nhầy, sau đó lan rộng ra làm ngứa không chịu nổi, ác một cái là càng ngứa càng gãi vết lở càng lan rộng chứ không hết. Môi trường lao động của chúng tôi đa phần là ở trong rừng, thời tiết thì làm sao biết trước, đang trời nắng  mồ hôi đổ nhễ nhại trời lại bất ngờ mưa to, đứa nào cũng ướt nhẹp từ ngoài vô trong. Khi nắng lên lại làm tiếp cho đạt chỉ tiêu, chiều về có khi mệt quá để nguyên bộ đồ ăn cơm xong là ngủ luôn. Cứ thế, làm sao không bị lác, có đứa về thành phố nghe người ta bày mua 1 loại thuốc tên Bộ Lư, đem lên xức thì thấy có lý dù xức vào thì rát ơi là rát, nhưng rồi cũng bị lại. Vô tình, một bữa nọ, có thằng khi hút thuốc lào bị say ngã té, nước trong ống đổ ra đầy quần hôi không chịu nổi, nhưng vô tình thằng đó mấy ngày sau lại mừng rỡ la lên “tao bớt lác rồi, nhờ cái nước hôi hám đó tụi bây, làm thử giống tao đi”. Hết đứa này rồi đứa kia thử, cứ bịt mũi lấy tay không thoa thuốc lên chỗ bị lác. Tôi thì không bị, nhưng khi hỏi thì thằng nào cũng nói là hiệu quả hết chỗ nói. Từ đó, mỗi lần cầm ống lên để hút thuốc lào đều phải đổ nước vào vì bao nhiêu nước tụi bạn đã đổ hết ra để xức lác .

TRÀ RỄ TRANH VÀ HÀ THỦ Ô

Lúc đầu, cắt tranh để đan thành tấm lợp nhà, chúng tôi chỉ từ mặt đất lên khoảng 2 tấc mới cắt, phần gốc không để ý đến. Sau đó, để có mặt bằng làm doanh trại và đường đi, lãnh đạo chỉ thị đào cả gốc tranh vì có cắt sát gốc đi nữa thì nó sẽ vẫn mọc trở lại. Thế thì đào, rễ của cỏ tranh rất nhiều, nếu đào mà bỏ sót thì không được, vậy là rễ chúng tôi đào lên, lúc đầu gom lại từng đống rồi đốt. Một số người dân trong vùng đi ngang thấy như vậy nên nói “tụi bây phí của, cái rễ này nấu nước uống thì mát lắm, nếu không xài thì cho tao“. Nghe có lý, anh nuôi Văn Thiện Hữu nấu thử rồi để nguội anh em cùng nhau uống, đúng là ngon. Từ đó, thay vì uống nước chín thì nay đổi qua uống loại nước này, nếu ai muốn ngon hơn thì thêm chút đường. Ngoài ra, trong đám cỏ tranh, còn một loại thuốc quí mà ít ai biết, đó là Hà thủ ô. Loại này, cả củ rễ, dây và lá đều là thuốc quí. Dây và lá thì phơi khô, còn củ rễ thì đào lên xắt lát cũng phơi khô, nấu nước uống thì hơi đắng, màu thì giống nước trà, uống vào làm trong người khỏe khoắn mát gan bớt nhức đầu. Cần nói thêm một chút về vấn đề đào củ rễ, lúc đầu, chúng tôi cứ lấy cuốc và dao, nhưng những bác thợ rừng cười và chỉ dẫn, “ nói về vị thuốc, phải nhớ mộc kỵ kim, tức là đào nó không được dùng cái gì bằng kim loại, mà phải dùng tre vót nhọn hoặc cây, đào như thế mới giữ được vị thuốc, đào như tụi bây thì còn đâu chất bổ dưỡng. Hèn chi, khi chúng tôi đào lên, củ rễ đổi màu qua xám xịt không trắng trẻo như ban đầu. Nhưng cũng từ lúc uống giải khát bằng loại nước nấu với rễ tranh, hay hà thủ ô, ai cũng đi tiểu đêm 2 – 3 lần rất khó chịu mất giấc ngủ, và riêng đối với những người nam thì lại xảy ra một chuyện vô cùng phiền phức, …thôi vì lý do tế nhị tôi không nói ra đâu, xấu hổ lắm!

NHỮNG TRÒ NGHỊCH NGỢM, KỂ CHUYỆN TIẾU LÂM

Thời ấy chúng tôi là những người còn rất trẻ nên ngoài những giờ lao động hay họp hành, không thiếu những trò nghịch ngợm hay kể chuyện tiếu lâm đùa vui. Đồng ý là có bạn không thích, nhưng đa số là hòa đồng, coi như vui vẻ quên nỗi buồn xa gia đình.

Trong đơn vị, có một anh khi ngủ thì ngáy vang trời không ai chịu nổi, cộng với lối ngủ kỳ cục chuyên gác chân lên người khác, thậm chí có bữa leo cả lên người nằm kế bên. Tức vì mất ngủ, và cả tức vì hay cãi là không có như thế như thế…. Chúng tôi nghĩ ra trò đùa độc đáo, lấy thanh tre quẹt phân trét lên mũi, đồng thời lột một trái chuối nhét vào quần. Nữa đêm anh ta trở mình, khi nghe mùi lạ ở mũi và rờ ở dưới thấy cái gì tròn tròn dài dài, anh ta hết hồn, vừa quê vừa sợ bạn cười nên thức luôn tới sáng và nằm im không dám lăn lộn tùm lum. Làm vài lần anh ấy cũng biết là ai đã phá mình, nhưng với tính hiền lành, rồi cũng không giận hờn gì.

Có một bạn sau khi về phép lên, ngồi đâu cũng  thở dài và nhìn xa xăm. Tôi lân la hỏi, thì ra anh ấy đang yêu thầm một cô gái nhà đối diện mới vừa dọn về, anh ấy nói “ cô ấy xinh lắm, tao về phép mấy ngày mà không gặp được, nàng cứ ngồi trên ban công lầu 1 mà đàn, tao cứ ở dưới nhìn lên, tức muốn chết“. Tôi cười “tao nghe nói mày mồm mép lắm mà, không cua được mới lạ”, anh ấy nói “cua gái là sở trường của tao, với điều kiện là cho tao gặp mặt thì 10 cô cũng chết với tao“. Tôi liền kề tai nói nhỏ “ để tao bày cho mày làm bùa yêu “, anh ta mắt sáng rỡ đồng ý ngay. Tôi liền tằng hắng bắt đầu nói:

Vào một đêm không trăng không sao, nói chung là tối hù, mày leo rào vào một cái nghĩa địa, nhớ đừng đi cửa chính vì sẽ không hiệu nghiệm. Sau đó mày tìm cho được cái mã làm bằng đá ong xưa, lấy búa đục một cục vuông vức khoảng một tấc , lấy giấy hồng điều gói kín leo rào trở ra. Về đến nhà, mày leo lên giường đặt cục đá vào ngực và nhắm mắt nhớ đến nàng, khoảng 3 giờ sau, thì mày …

Kể đến đây, tôi giả bộ ngập ngừng, anh ta hỏi tới “ rồi sao, tao sốt ruột quá “, tôi cười “ thì …mày…lấy cục đá đi ra cửa chọi vô con nhỏ đó “, “ trời đất mày xúi dại tao, chọi  cho nó qua nhà tao chửi hả, bùa yêu gì mà kỳ cục “, tôi mới giải thích“ tại mày nói chỉ cần gặp mặt là mày cua mười cô cũng được mà “. Ngay tức thì, một chiếc dép râu bay về phía tôi kèm theo tiếng nghiến răng“đồ quỉ sứ ôn hoàng hột vịt lộn, mày gạt tao, ngày mai vô rừng tao xử mày“.

Lâu lâu, anh Hữu nhà bếp cải thiện cho chúng tôi ăn cá, dù chiên hay kho thì cũng là bữa ăn tuyệt vời của chúng tôi. Nhưng cũng từ đó lại phát sinh 1 chuyện vui. Trong đơn vị có 1 anh rất thích ăn cá nhưng không chịu lừa xương kỹ nên thường xuyên bị mắc cổ. Tôi liền kể cho anh ấy nghe lời của mẹ tôi dạy hồi nhỏ ( có chế thêm ) “ mẹ tao nói nếu bị mắc xương thì đi kiếm người đẻ ngược mà vuốt sẽ hết ngay, nam thì nữ vuốt và ngược lại“. Anh ta tin xái cổ, tới ngày nọ, anh ta bị mắc xương cá, khạc nhổ tùm lum rồi ho làm đủ kiểu vẫn không hết, nhớ chuyện tôi kể, anh ta chạy ngay qua sam nữ nói to “ở đây có ai đẻ ngược không giúp tôi với“. Ác một nỗi, phụ nữ lại kỵ với từ đẻ ngược , nên các bạn nữ đồng thanh la lớn “ông nào vô duyên vậy Trời “, chưa hết, chị Cúc gà (Lương thị Cúc) A phó chạy ra quạt cho anh ta “ đi về ngay, ai cho qua sam nữ nói tầm bậy tầm bạ, tôi báo cho anh Bảy Dũng bây giờ“, hậu quả là anh ta chạy một mạch về thở hào hển. Tôi lúc đó chỉ biết cười và nói “ tôi xin lỗi, uống miếng nước hà thủ ô cho khỏe “. Vừa chạy về mệt anh ta uống 1 hơi hết ca nước nên ho sặc sụa, đột nhiên miếng xương văng ra, tôi chỉ liền “thấy chưa, nhờ tôi đó“, lời cám ơn chưa thấy, tôi bị ngay 1 cái cốc vào đầu của anh Bảy Dũng kèm câu ra lệnh “ lên Ban chỉ huy gặp tôi, ông tướng đùa quá trớn nghe“ .

MC BẤT ĐẮC DĨ!

Tôi viết MC cho các bạn dễ hiểu, chứ hồi đó chỉ gọi là quản trò hay hoạt náo viên mà thôi. Chắc có lẽ Ban chỉ huy thấy tôi hay đùa và nghịch ngợm nên mỗi lần lửa trại cuối tuần đều cử tôi ra làm quản trò thay phiên với Bảy Khá. Thật tình là hồi còn đi học phổ thông, tôi là lớp phó văn nghệ nên khi được phân công tôi ừ ngay. Đầu tiên là giới thiệu Ban chỉ huy lên nhắc nhở và động viên anh em, kế đến là hát tập thể, từ “Nối vòng tay lớn” đến “Giải phóng miền Nam”… rồi đến trò chơi nhảy múa Sol đố mì la fa sol…. Để tạo không khí mới lạ, tôi tự nghĩ ra cách giới thiệu các bài hát các bạn đơn ca cho vui vui, thế mà hay, các bạn cười rần trời và không khí tự nhiên sôi nổi hẵn lên. Nhưng nói ra các bạn đừng cười, anh Bảy và anh Mười cũng la chằng chằng tôi hoài vì có khi hơi lố. Thôi thì thí dụ vài lời giới thiệu mang ấn tượng nhất:

– Kính thưa các đồng chí, trước mặt tôi là đồng bào, sau lưng tôi là đồng ruộng, bên trái tôi là đồng xu, bên phải tôi là đồng tiền, trên tay tôi là cái đồng hồ. Mặc dầu như mặt mỡ, dù rằng như dù sọc, nội dung tương đương nội nắp, tưởng tượng như tưởng voi, một bài ca như ngàn lời nói, nắng chói lói làm lung linh mây trời, sau đây là bài Hà Nội niềm tin và hy vọng …

– Tiên đoán thời tiết cho tàu chạy ven biển, biển êm sóng lặng, gió hiu hiu, thủy thủ buồn thiu, lưới cá cũng ỉu xìu. Nhưng bất ngờ có cơn gió lớn, tàu lắc lư, thuyền trưởng trầm tư, mây đen lừ đừ, sau đây là bài Bão nổi lên rồi …

– Kìa, một ca sĩ từng nổi lên khi phòng trà chuẩn bị đóng cửa, anh ấy có một giọng ca từng làm mưa làm gió ở rừng chiến khu Đ đang chuẩn bị lên nhưng đã xuống, từng làm bao nhiêu khán giả ra về không còn dép, đó là một giọng ca thật là truyền… nhiễm và oanh… tạc, từng đoạt nhiều giải thưởng khi ca chung với hội câm điếc… và đây anh ấy đang từ từ bò lên sân khấu, xin những người kiên cường còn ở lại tại đây cho tràng pháo tay …

– Các đồng chí đã biết bơi chưa, tui cũng chưa, nhưng luôn mơ ước một ngày nào đó về Long An vẫy vùng trên dòng sông có biết bao chiến tích oai hùng, đó là nội dung bài hát tôi muốn gởi đến các đồng chí sau đây, Vàm cỏ đông, xin các đồng chí cho tràng pháo tay để tôi hăng hái cất tiếng ca.

CÚ LÀM BÀN LỊCH SỬ

C1 Chúng tôi lên Xuyên Mộc một thời gian thì C2 áo xanh cũng chuyển lên. Hai doanh trại nằm đối diện nhau, hàng ngày chúng tôi cùng lên rừng đốn cây đốn tre chặt mây và cả những sinh hoạt tập thể. Trong đó, ngoài văn nghệ cuối tuần, 2 môn thể thao được yêu thích là bóng chuyền và bóng đá. Thắng thua chúng tôi không quan trọng, mà là vui khỏe, mà là hòa đồng với nhau. Thời gian đó, tôi nhớ nhất về 1 trận bóng đá mà tôi vinh dự được vào sân trong… 10 phút cuối. Các bạn đừng cười vì tôi muôn đời làm dự bị. Có thể tên các cầu thủ 2 C lúc đó tôi không còn nhớ chính xác lắm, mong các bạn thông cảm  nếu có gì sai sót, nhưng mạn phép được tường thuật lại đại khái như sau:

…2 đội bóng C1 và C2 đang từ từ bước chân không, ra sân đất lồi lõm. Bên C 1 gồm 5 cầu thủ, với trang phục ở trần quần đùi, Đình hùng –A xỉn – King kong- Tài vịt – Phước ròm, dự bị gồm Hữu Thế – Bảy Khá-  Việt Sơn. Bên C2 trang phục quần đùi áo thun 3 lỗ, gồm Anh Triều – Minh Cảnh – Xuân Dũng – Viết Thu –Tí Đô, dự bị Hòa Lác –Cả Hoàng –Hữu Phước. 2 đội đều là bạn bè nên tự phân xử không có trọng tài, không bên nào có thủ môn, vì ai cũng đòi lên đá không chịu làm thủ môn. Trận đấu bắt đầu thật sôi nổi, 2 bên đều vờn banh qua lại, thời gian thì cứ trôi qua mà chẳng ai đá được đường bóng nào về gôn đối thủ. Bất ngờ vào phút thứ 30, sau 1 hồi dẫn bóng chạy qua chạy lại, cầu thủ Xuân Dũng của C2 đã đá 1 quả thật mạnh từ xa, không cầu thủ C1 nào về kịp vì đang đứng thở, bóng lăn vào gôn nhẹ nhàng như cung đàn trên sông lạnh.

Sau 10 phút giải lao uống trà hà thủ ô, 2 đội bước vào hiệp 2. Trong lúc các cầu thủ C 2 chưa ổn định đội hình, A xỉn của C1 đã tranh thủ dẫn bóng chạy thẳng về gôn đối thủ, 1 cú xủi  nhẹ nhàng, bóng đã nằm ra sau lưng 2 tảng đá làm cột của C2, 1 điều. Trận đấu trở nên căng thẳng hơn khi anh Bảy Phương – C trưởng C2 – gào to “đội nào thắng sẽ được 4 hộp sữa, 5 gói President“, anh Bảy Dũng không chịu thua“ anh thưởng thêm 1 chầu cà phê kinh tế mới “.

Các cầu thủ như có thêm sinh lực, lao vào tranh cướp bóng quyết liệt. Phút 20 hiệp 2, đột nhiên A xỉn C1 lọt chân vô 1 cái lỗ té trặc chân, tôi tranh thủ đòi vào thay, anh Bảy Dũng nói “ừ, em vào đi, mấy đứa khác chịu khó nhường nghe, nó muôn đời làm dự bị, hôm nay cho nó đá thử “. Sau 1 phút khởi động, tôi vào sân trong tiếng… cười rần của anh em đứng coi .

Chạy vòng vòng mệt muốn đứt hơi mà không ai chịu đưa bóng, đột nhiên tôi thấy Viết Thu C2 đang dẫn bóng từ dưới đi lên, do mệt quá dẫn bóng đi chứ chạy hết nổi, tôi xáp vô thật nhanh, vì mới vào nên còn sức cướp bóng, đá hoài mà bóng vẫn không nhúc nhích, vì lọt vô 1 cái lỗ, tức quá, tôi xoay người lại giật gót, quả bóng bay lên và lăn vào gôn ngon lành đúng lúc hết giờ thi đấu.

C2 thì tức tối, C1 thì la vang trời “ thắng rồi, hai một rồi, hoan hô Tư Sơn“. Anh em thì ôm và công kênh tôi lên, anh Bảy thì vỗ vai “giỏi lắm, không phụ lòng tin của anh“. Nói thật lòng, tôi biết đá gì đâu, chắc có lẽ hên thôi, đúng là cú làm bàn lịch sử của 1 cầu thủ trên trời rơi xuống! các bạn biết không, đánh đổi bàn thắng lịch sử là gót chân rách miếng da, máu chảy tùm lum, chân đi cà nhắc 3 ngày 2 đêm.

Đến đây, xin tạm dừng nhớ những kỷ niệm cùng đồng đội cũ, nếu có bạn nào còn nhớ gì đó kể tiếp cho anh em C1 nghe với. Có thể, trong bài có những chi tiết tôi kể không đủ và chính xác lắm, vì thời gian đã qúa lâu, chuyện xưa nhớ lại chắc chắn có cái không đúng lắm, bạn nào nhớ kỹ và đúng hơn thì bổ sung. Kỷ niệm thì bao la, bộ nhớ thì giới hạn…

Sau đây xin kể tiếp một vài kỷ niệm trong thời gian làm cán bộ Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới Xuyên Mộc của tôi. Khoảng tháng 2 năm 77, tôi được điều đi học khóa huấn luyện văn hóa quần chúng, và chuyển qua làm cán bộ tuyên huấn phụ trách văn thể mỹ Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới Phân hiệu Vĩnh An…                                                                          

               Cuối năm 1976, đơn vị TNXP Liên đội Xuyên Mộc chúng tôi được lãnh đạo phân công làm cán bộ khung Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới. Vui có buồn có lo có, buồn là vì không được về Củ Chi nhận quân mới, vui vì đang là đội viên nay lại được làm cán bộ, lo vì có đứa mới 17-18 tuổi mà lại được giao nắm những con người từng một thời ngang dọc quậy phá, liệu có làm nổi không?.

Biết được những suy nghĩ đó của chúng tôi, lãnh đạo đã động viên: hãy coi họ là những người thân, họ đang sa vào tội lỗi, các đồng chí hãy đưa tay kéo họ lên bằng tình thương yêu chân thành, các đồng chí có sức khỏe, có nhiệt tình có gì mà không làm được. Thế là chúng tôi trở thành cán bộ, từ đó bao chuyện buồn vui xảy ra mà chưa có sách vở nào viết. Chúng tôi đã dùng nhiệt tình tuổi trẻ giúp đỡ bao nhiêu người lầm lạc trở thành người tốt, ký ức ấy không thể nào quên…

A TRƯỞNG A ĐẠI CA

Được phân công coi 1 tiểu đội, gọi là A trong đại đội C, tôi lúc đó mới 18 tuổi. Vừa rời ghế nhà trường đã đi TNXP, chưa bao giờ ăn chơi, thế mà bây giờ lại phải đối mặt với 10 ông trời thần đất lỡ. Đêm đầu tiên tôi không dám ngủ, sáng phờ phạc ê ẩm cả người.

Rồi sau những ngày đi lao động cùng nhau, tôi và họ dần hiểu nhau. Anh Toàn Nhẫn từng là thợ đào vàng, Hùng thẹo là võ sư Thiếu lâm trước khi bước vào giang hồ, Long đầu bò từng là thợ mổ heo trước khi là sát thủ đâm thuê…. Họ từng là những đại ca, những thủ lĩnh có tiếng trong giới giang hồ.

Nhưng họ đã từ từ hiểu tôi và nghe lời răm rắp từ những buổi tâm sự, ăn cơm chung, lao động trong rừng. Tôi đã nói với họ, cái gì qua hãy cho qua, các anh còn gia đình cha mẹ vợ con, họ đang từng ngày trông chờ các anh về, làm người tốt thì khó nhưng vẫn làm được, do ý chí của mình có cố gắng hay không.

Ngược lại, tôi đã hiểu vì sao họ vào đây, hoàn cảnh thì có khác nhau, nhưng chỉ vì 1 phút kém suy nghĩ họ đã phải như thế này. Tôi đã khơi gợi về những người thân, người rất thương vợ đang bệnh nặng, người nhớ cha nhớ mẹ nhớ con. Tựu chung trong những con người trông dữ dằn ấy vẫn còn 1 góc hối hận việc mình đã làm.

Ngoài ra, tôi khai thác triệt để tất cả năng khiếu họ có, như anh Nhẫn đánh cờ tướng rất hay, anh Long lại là đầu bếp, anh Hùng lại đàn rất giỏi…. Qua những lần thăm nuôi, tôi đã nói chuyện và được sự ủng hộ của những người thân, họ đã tự nguyện gởi lên nào là đàn guitar, nào là bộ cờ tướng….

Có lúc tôi tự hào vì mỗi khi dẫn quân đi lao động ngang qua các đơn vị khác, những học viên ở đó đã như thói quen chào học viên trong A của tôi là đại ca, có lẽ từ quá khứ của các anh ấy. Nhưng tôi đã bị la vì không chịu nói với họ là vào đây là phải xóa bỏ tư tưởng đại ca đệ tử, ở đây đều là học viên, tất cả đều bình đẳng không ai được hà hiếp người khác dù là trong suy nghĩ. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thích mọi người gọi tôi là A trưởng A đại ca, vì không ngờ rằng 1 thư sinh như tôi mà lại giáo dục cảm hóa được những người từng là đại ca như vậy.

Có lẽ từ tấm lòng, và suy nghĩ “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, tôi hiểu vì sao họ phạm tội phải vào đây, và họ cũng đã biết tôi là ai, tôi là TNXP.

NGON CÁN BỘ LÀM THỬ ĐI !

 Khi vào Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới, lao động là cái bắt buộc các học viên phải làm. Lần đầu dẫn quân ra rừng đốn tre, các học viên người thì ngại lao động, người thì cầm búa rựa chưa quen, tôi phải chỉ từng chút một, thậm chí hướng dẫn chiêu cách đốn tre sao cho đừng ngã vào người mình.

Trong tiểu đội có 1 học viên người thấp bé, nhưng có biệt danh thật ấn tượng: Lộc Lì. Anh này ngoài đời nổi tiếng bằng nghề leo tàu ăn cắp đồ ở Thủ thiêm. Anh ta leo tre rất giỏi, duy chỉ có tật tùy hứng, vui thì làm buồn thì có hăm cho nhịn đói cũng không làm.

Có lần, cả tiểu đội đang làm thì anh ta lũi mất tiêu, tôi sợ anh ta trốn trại thì nguy nên đi tìm. Khi gặp thì anh ta đang ngủ, kêu dậy đi làm thì anh ta trả lời “Con trâu cày hoài cũng mệt huống chi tôi, miễn sao hoàn thành chỉ tiêu cán bộ giao thôi“. Tôi hơi bực nhưng cố nén “biết anh đốn tre giỏi nhưng trong giờ lao động anh đi ngủ là không đúng. Đành rằng tôi biết sẽ đạt chỉ tiêu trong ngày nhưng vẫn phải tương trợ anh em khác chứ“. Anh ta cười khẩy“ thôi cán bộ ơi, vô đây hồn ai nấy giữ, giúp tụi nó rồi ai giúp tui, cán bộ nói hay thì giúp tụi nó đi. Bây giờ, cán bộ ngon làm thử đi, leo lên đốn tre hay hơn tui thì tui sẽ nghe lời cán bộ, đồng ý không?”.

Tức quá, tôi gọi vài học viên lại làm chứng, cầm cây rựa leo lên bụi tre trước mặt. Tôi leo thoăn thoắt, đốn từng cây tre rơi xuống trong ánh mắt ngạc nhiên của mọi người nhất là Lộc Lì. Số lượng tre tôi đốn trong 2 giờ đã bằng với của Lộc Lì làm cả buổi sáng. Khi xuống đất, Lộc Lì đã chạy đến“ tui thua, tui tưởng… cán bộ chỉ nói mà không biết làm, không ngờ…”. Tôi cười và vỗ vai Lộc Lì “Anh quên là trước khi làm cán bộ, tôi đã là 1 TNXP, cái gì mà không biết làm, tôi không cần anh thua, tôi muốn anh đừng bướng nữa, hãy làm tốt việc được phân công và giúp đỡ hướng dẫn anh em làm giỏi như mình, thời gian ở đây lâu hay mau chính là ở anh đó, cố gắng lên”. Các bạn có tin không, 1 người lì lợm như thế mà đã phải rơi nước mắt, tôi không biết là hối hận hay tức vì bị thua, nhưng tôi nhìn thấy được từ sâu thẳm ở anh một sự hồi tâm .

GIÁO VIÊN BỔ TÚC BẤT ĐẮC DĨ

Buổi tối, các viên sau khi họp rút kinh nghiện việc trong ngày, sợ các học viên suy nghĩ lung tung, và cũng vì qua thống kê thấy các học viên mù chữ nhiều quá, lãnh đạo quyết định mở các lớp dạy chữ cho học viên. Với trình độ văn hóa cấp 3, tôi được giao phụ trách 1 lớp chưa biết gì hết. Phát hoảng, tôi liền từ chối vì có biết dạy gì đâu, rồi soạn giáo án… Lúc đó, tôi lại nhớ lời 1 danh nhân nói rằng “có đi mới có đường, chưa làm sao biết khó, chưa té sao biết đau”, thế là tôi ừ đại, nhiệt tình có thừa mà sợ gì. Rồi khi bắt đầu mới thấy gian nan, có 1 chữ O mà dạy cả tuần các anh chưa viết được. Tôi nảy ra sáng kiến cứ lấy thực tế mà ví dụ có thể được. Một bữa nọ, tôi hỏi các học viên “thế các anh mỗi ngày có ăn cơm không, cái chén hình gì nào?, học viên nhao nhao “tròn, hình tròn cán bộ ơi “, tôi mừng quá “ đó, chữ O là nó đó “, học viên cười rần”, vậy mà từ bữa đến nay cán bộ không nói, tụi tôi hiểu rồi “. Rồi chữ I thường, tôi phải lấy hình tượng cái dù che nắng mà hướng dẫn. Đúng là chưa có giáo viên nào mù chữ kiểu như tôi, đó là chưa kể sự khác nhau tiếng gọi của các vùng miền, anh thì gọi cái bát, anh thì gọi cái chén, thế là cãi nhau ỏm tỏi.

Ngày tháng qua mau, có học viên sau khi viết được lá thư đầu tiên gởi về gia đình dù là còn nguệch ngoạc, họ đã ôm chầm lấy tôi mà khóc “tôi biết chữ rồi cán bộ ơi”. Tôi hạnh phúc vô bờ, cái tôi gieo trồng cái chữ bằng cách không giống ai bây giờ đã có quả ngọt, thật là vui khi tôi được làm giáo viên bổ túc bất đắc dĩ.

HỌC TIẾNG LÓNG

Từ nhỏ chỉ đi học, tôi không tiếp xúc với ai ngoài người trong gia đình, nên thế giới giang hồ là cái gì đó thật lạ lẫm. Những ngày đầu tiên nghe học viên nói chuyện với nhau, đúng là muôn màu muôn vẻ, tôi cứ muốn ù lỗ tai vì có hiểu họ nói gì đâu. Khổ một cái, nếu nói mình không biết thì hơi quê, còn nói biết thì hơi xạo, làm sao đây?

Đến một đêm nọ, tôi trực tuần tra doanh trại, tôi nghe tiếng 2 người học viên thì thào “ ối tí ay ni ốn trí “ – “ ô I ê ki “, rồi im bặt. Tôi nghi có gì đó không ổn nên vào đánh thức anh Nhẫn, lúc này anh đã là 1 học viên tốt, khi nghe tôi hỏi, anh cười rồi nói “ có gì đâu, câu đầu là tối nay trốn, câu sau là ô kê, kiểu nói đó là ráp chữ I vào  thành chữ  lóng, ví dụ như cán bộ trở thành án cí ộ bị…”. Tôi cám ơn rồi ra canh, đúng ngay có 2 anh trốn trại.

Khi bị giải về, các anh đó nói nhớ nhà quá nên liều, không ngờ cán bộ cũng rành tiếng lóng nên lộ hết trơn. Tôi chỉ cười thầm, biết đâu mà biết, chó ngáp phải ruồi đó mà. Nhưng từ đó tôi mới tâm niệm muốn hiểu họ phải học ở họ mới sửa được họ.

Tôi âm thầm đi học cách xử dụng tiếng lóng từ các học viên phấn đấu tốt, thấy cũng ngộ ngộ và kỳ quái làm sao. Nhưng, song song tôi cũng phân tích cho học viên hiểu “tiếng Việt mình thiêng liêng lắm, tại sao không nói đàng hoàng mà phải dùng tiếng lóng như thế. Dù không phải chúng tôi không biết, nhưng cách nói cũng thể hiện cái văn hóa của mình, hy vọng các anh hiểu mà sửa đổi nhé, đừng để tôi bắt gặp rồi phạt, không hay đâu “.

TÂM SỰ CỦA NGƯỜI THĂM NUÔI

Theo định kỳ hàng tháng, mỗi học viên được người nhà thăm nuôi một lần. Cứ đến lượt mình, các học viên ai cũng nôn nao không ngủ được. Những lần dẫn học viên ra nhà thăm nuôi, tôi đã tiếp xúc nhiều với họ.

Có bà mẹ lần nào lên thăm con mình, bà đều rờ nắn tay chân và hỏi “phòng giam có rộng không, họ có trói hay còng con không, con cố đi tới đi lui để khỏi bị thủng nghe“, và chắc chắn trong gói quà là những gói bột Bích Chi, là loại bột được xay ra từ gạo lức màu nâu để ăn ngừa phù thủng. Tôi cười và cho anh ấy tự trả lời với mẹ rằng ở đây được đi lại tự do, nhà ở thoáng rộng, và đặc biệt là không bị trói hay còng. Học viên ấy còn khoe chẳng những không phù thủng mà còn lên cân, cán bộ thì trẻ, vui vẻ, yêu thương học viên như người thân nữa. Bao nhiêu đó cũng đã làm mẹ vui và hạnh phúc. Mẹ đã ôm chầm cán bộ chúng tôi và nói “cảm ơn các con, mẹ không ngờ…”.

Còn ở một góc khác, một cô gái rất xinh đang ngồi kế bên người yêu là Hùng đầu bò. Cô ấy tâm sự “em tuyên bố chừng nào ảnh cải tạo thành người tốt em mới chịu lấy ảnh, chờ bao lâu cũng được “, tôi hỏi nhỏ “thấy ảnh độ rày thế nào?”, cô ấy đỏ mặt “ nhờ các anh, em thấy ảnh đỡ nhiều, 10 còn 2, nhưng em chưa chịu đâu, khi ra trường ảnh phải là người lương thiện thì… em mới sinh cho ảnh 2 thằng cu”, ôi, dễ thương làm sao.

Tuy nhiên, cũng có những thân nhân, vừa gặp mặt con em mình đã chửi xối xả, nào là đồ con hư, nào là chồng khốn nạn, nào là không chết bờ chết bụi cho rồi, nào là cán bộ cho nó ở luôn trên này đừng cho về, rồi là hăm không lên thăm nuôi nữa …. Những lúc đó, chúng tôi phải tới can thiệp giải thích muốn khô nước miếng, đúng là họ có làm sai họ mới bị đưa vào đây, nhưng đời còn dài, hãy cho họ cơ hội để sửa sai thành người tốt, hãy tin vào chúng tôi, những TNXP đang làm cán bộ Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới.

MÓN QUÀ SINH NHẬT BẤT NGỜ

         Đầu năm 77, tôi được về phép đột xuất vì Bà Nội tôi mất. Đêm trước khi về, anh Nhẫn có hỏi tôi “sinh nhật cán bộ ngày mấy”, tôi trả lời” 22/1”, anh cười và nói “ thế à !”. Sau khi lo đám tang xong, khi trở lên đơn vị tôi có mua vài gói trà lên tặng các học viên. Đêm đó, sau khi họp, anh Nhẫn tự nhiên đứng dậy, tằng hắng, nghiêm trang “ hôm nay, nhân ngày sinh nhật của cán bộ, thay mặt anh em trong tiểu đội, tôi xin chúc cán bộ nhiều sức khỏe, công tác tốt. Không có gì hơn, xin tặng cán bộ vài món quà làm kỷ niệm, mong sau này chúng tôi có ra trường, cán bộ luôn nhớ đến anh em, cảm ơn cán bộ, người đã đưa chúng tôi về con đường sáng”. Quà đúng là rất đơn sơ nhưng do chính anh em tự làm, như: tẩu thuốc làm bằng cây buông, đôi dép râu mới toanh mẹ mới gởi lên, bó hoa rừng mới hái và một buổi tiệc linh đình gồm bột Bích Chi quậy, sữa luộc, nước trà …, tôi chỉ biết lặng người và xúc động thật sự. Tôi ôm chầm từng người và nói “ cảm ơn các anh, thật tình là tôi không nghĩ có một buổi tiệc bất ngờ như vầy, tôi thương mến các anh nhiều. Nhưng tôi mong một món quà lớn hơn rất nhiều từ các anh, các anh hãy phấn đấu thật tốt, bỏ dần các thói hư tật xấu để mau được đoàn tụ với gia đình, trong đời tôi chưa có buổi sinh nhật nào giản dị mà vui và đầy tình người như thế này“.

Tôi mừng muốn rơi nước mắt vì từ những con người dữ dằn, họ đã trở thành những thanh niên hiền lương hiểu và và đối xử thật đậm tình người. Họ đã thay đổi đến không ngờ, từ những ánh mắt dò xét sợ sệt khi mới vào, nay đã hóa thành những vòng tay thân thiện ấm áp lạ thường!