Lời thú tội trong ngày 23 tháng chạp ! ( tác giả ngoài cùng bên phải)

FB_IMG_1641546743146

  (tác giả bên phải)

Tự dưng chưa kịp nói gì thì cả đám mấy ổng phá ra cười, cười sặc sụa, cười khùng khục, cười đỏ mặt tía tai, bực quá tôi nạt: “thôi nghe, cười hoài hổng chịu nói gì hết vậy, mà sao cười vậy hử?” như chế thêm dầu vào lửa, tiếng cười to hơn và ác liệt hơn, phụ nữ chúng tôi cũng ngó nhau ngơ ngác:“ngộ vậy! tụi mình hứa sẽ kể những chuyện ngày xưa mình gây “tội”, chắc mấy ổng có làm điều gì ghê gớm lắm đây”.

Vài năm nay, chúng tôi những người chung đơn vị cũ liên lạc được nhau hay gặp gỡ, ôn lại chuyện xưa và trong cuộc sống có những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường chung tay, đồng đội một thời mà! Hôm nay ngày 23 tháng chạp là bữa tiễn Ông Táo về Trời, bọn tôi mới rôm rả bên mâm cơm thân mật của vợ chồng L. Trời xui đất khiến thế nào mà có người gợi ý: “Tuổi trẻ mình bồng bột, nên có những việc làm nghĩ lại thấy buồn cười, tui có ý kiến vầy: bây giờ ai có chuyện gì hồi xưa khó nói thì bây giờ nói cho nhau nghe, để nhớ thời “ngày xưa ta bé”. Còn tui, tui kể cho mọi người nghe chuyện của tui là vầy…” rồi mấy ổng nhìn nhau và sau đó là những tràng cười liên tu bất tận, chắc mấy người này có liên quan đây. Hãy chờ cho mấy ổng hạ hỏa!.

Tiếng anh T. dè dặt: “Mà nói trước nghe, chuyện này xin lỗi bà H. nghe, lúc đó tụi tui bí quá nên làm đại” L. K. S. P. và tôi hỏi dồn: “Cái gì? có liên quan tới bà H. hả? chuyện gì vậy mấy…cha!” còn tôi hết hồn lắp bắp: “Ủa ! có tui ở trỏng hả? hồi nào? thôi nói lẹ dùm đi mà!”

Ra là chuyện ấy! trời đất thiên địa quỷ thần ơi! là mấy ổng!

Khi anh T. nói xong, một giây im lặng, cái im ắng lạ lùng và sau đó là những cú đấm, cú đập vào mấy ổng (nhẹ thôi), tiếng vỗ tay chan chát hòa với những tiếng cười vang (lần này là của mấy bà) cười mà che mặt, cười chảy nước mắt. Ôi! Sao thương quá đồng đội tôi!

Năm 1977, gần Tết, đơn vị tổ chức hội chợ cho cán bộ, học viên Trường, tôi được phân công về thành phố mua đồ -phụ trách gian hàng tạp hóa – Là phụ nữ tôi biết các chị cần những vật dụng thiết yếu ( như đồ lót, phèn chua…) sau khi kết thúc, tổng kết tiền, hàng tôi so sổ sách thì thấy thiếu một cái…áo ngực (hồi đó loại áo đó may bằng nhiều lớp vải chồng lên chứ đâu có mút cứng như giờ) thế là tôi phải bỏ tiền ra đền, đền rồi tức anh ách. Hóa ra giờ tôi mới biết, hàng cất trong kho của nhà bếp, tối tối mấy ổng hay uống café, có ai đem cái phin xuống sông rửa bất cẩn để nó rớt xuống mất tiêu; trong rừng làm sao kiếm mua, bột café bỏ vô đâu để pha, thế là cái khó ló cái khôn, toa rập, bàn bạc với thủ kho “chôm” cái vật che chắn tòa thiên nhiên của phụ nữ.

“Sao hồi đó hổng nói tui nghe? tui lấy vải may cái vợt cho mấy ông pha” tôi thiệt tình. Anh Đ: “Thì đã nói là tuổi trẻ mà lị, thôi giờ tui đền bà chầu karaoke, chịu hông?’’cả nhóm hoan hô rần trời, kéo nhau đi sau khi thanh toán sạch sẽ mâm cơm cúng ông Táo.

Chuyện này xảy ra có thật 100% tại Trường TNXDCSM.

Bởi vì tui là người bỏ tiền đền cái đồ mình không mặc mà phải trả tiền (híc). Tại vì những nhân chứng may phước còn sống (mới thú tội đấy) và hương vị mùi café được pha trong cái vật có một không hai, độc nhất vô nhị, vẫn còn trong ký ức mọi người, của một thời đẹp nhất là Thời Thanh Niên Xung Phong !

Xin hỏi ý kiến tất cả, bài này mình viết gởi Bản tin Lực Lượng được không? Nếu được đăng, có nhuận bút , Xuyên Mộc sẽ mời mọi người café…xin cho ý kiến nha .

Xuyên Mộc