NGHĨ VỀ TƯ TƯƠNG DÂN VẬN KHÉO CỦA BÁC HỒ

Nhân kỷ niệm 70 năm, Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”(Ngày 15 tháng 10 năm 1949) suy nghĩ về tư tưởng “Dân vận khéo” trong tác phẩm “Dân vận”, của Bác Hồ. Người đã chỉ cho chúng ta thấy,  những cán bộ phụ trách dân vận cần phải có “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Trong 70 năm qua, quán triệt tư tưởng “dân vận khéo”, “ tất cả vì lợi ích nhân dân” của Bác Hồ, Đảng và nhà nước ta từ trung ương đến địa phương, ở tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong nước đã có những chủ trương, chính sách phù hợp khơi dậy sức mạnh của toàn dân và chăm lo lợi ích hợp pháp và chính đáng cho nhân dân; nhờ đó mà sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Vận động hội viên tham gia phong trào nuôi heo đất vì nghĩa tình TNXP.

Công cuộc đổi mới tiếp tục được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội; Đảng và Nhà nước coi “CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân, của các thành phần kinh tế…” và “lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, động viên toàn dân cần kiệm xây dựng đất nước…tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, phát triển văn hóa giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên trên bình diện thực tế trong đời sống xã hội, việc phát huy nguồn lực, chăm lo lợi ích cho các tầng lớp nhân dân, phát huy công tác dân vận và làm dân vận khéo theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang bộc lộ những bất cập và còn nhiều hạn chế; việc “nói đi đôi với làm”, tác phong, thái độ, trách nhiệm trước dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là “công bộc” của nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu.

Vận động hội viên tham gia ủng hộ “quỹ vì người nghèo năm 2019”

Quán triệt tư tưởng dân vận khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần nhận thức đúng đắn và hiểu rằng: cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ bắt đầu bằng “dân vận”. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước với hành trang tư tưởng lớn là “yêu nước, thương dân” một ý chí, một hành động dũng cảm lớn lao “đi ra nước ngoài xem người ta làm như thế nào để về cứu dân, cứu nước”. Tư tưởng lớn, ý chí lớn, hành động lớn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bắt đầu từ những suy nghĩ, lời nói, việc làm thật sự gắn bó với đời thường, với mong ước sao cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội ta ai cũng được tự do, cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành. Chủ Tịch Hồ Chí Minh nói và làm đều xuất phát từ mục tiêu cao cả vì “ích quốc lợi dân”, bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu Người cũng chỉ theo đuổi một mục đích, một ham muốn đến tột bậc “làm cho nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong suy nghĩ, Người không bao giờ tự xưng mình là Chủ tịch nước mà chỉ là người “gánh vác chức chính phủ do đồng bào ủy thác cho tôi, giống như một người lính xông pha ngoài mặt trận…” với đồng chí cũng chỉ với tư cách là một đồng chí già viết thư trao đổi với các đồng chí ở tỉnh nhà và cuối cùng đó là “đồng bào yêu quý” . Tư tưởng “ích quốc lợi dân”, “tất cả vì lợi ích nhân dân” ở Người đã trở nên động lực lớn lao khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đứng lên đấu tranh giành chính quyền, xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó sâu đậm trong tâm hồn nhân dân, tìm mọi cách đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Cuộc sống đời thường của Người giản dị đến khiêm nhường, tác phong đạo đức của người trong sáng đến nỗi mỗi một người trong chúng ta ai soi cũng thấy mình trong đó và chính Người cũng có trong lòng mỗi một người dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “nói đi đôi với làm” là “dân vận khéo”, “Cần kiệm, liêm chính” là dân vận khéo; “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì hại đến dân thì hết sức tránh” là dân vận khéo; “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân” là dân vận khéo và Người đã dạy chúng ta “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Dân vận khéo trái ngược với căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, cậy quyền, cậy thế, tư túng bè phái, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí… Quán triệt tư tưởng “dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay không có nghĩa chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi hô hào chung chung hay chạy ở vòng ngoài của cuộc sống mà phải đi thẳng vào cuộc sống của nhân dân để vận động nhân dân tham gia xóa đói giảm nghèo, xóa tập tục, tệ nạn, chống quan liêu, xa hoa, lãng phí….Thử hỏi “ai xóa ? ”, “ai chống ? ”, “ Ai xây” phải chăng đây là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, khi dân chưa được giác ngộ, chưa hiểu biết đầy đủ; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp, đối tượng nhân dân chưa đồng bộ mà cán bộ đảng viên lại chưa hòa mình vào quần chúng để nâng quần chúng lên ngang bằng mình” hoặc cán bộ đảng viên “tay cầm chủ trương, đầu đội chính sách” chưa thấu đáo, chưa mẫu mực hoặc thái độ trách nhiệm với dân còn kém, chỉ hô hào rồi lại lặng dần, thì hiệu quả không tương xứng.

Trao vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong tình hình hiện nay, việc quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của phong cách dân vận khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong  ở mọi lĩnh vực công việc, phải luôn bắt đầu từ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; phải làm mực thước, gần gũi, sâu sát nhân dân, phải tìm mọi cách giải thích cho dân hiểu rõ ràng chủ trương, chính sách, pháp luật…

Để Nhân dân làm theo Đảng, trước hết mọi chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước phải phù hợp với lợi ích chính đáng của dân, cán bộ, đảng viên phải nghĩ đến dân, phải biết tin và dựa vào dân, biết khuyến khích, động viên và tôn vinh nhân dân. Trong thực tế đời sống xã hội sôi động đang diễn ra, mặt tích cực có nhiều nhưng những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn cũng không phải là ít, những tiêu cực đang tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, nhất là sự suy thoái về tư trưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang ảnh hưởng xấu đến đời sống, tư tưởng, tình cảm, niềm tin trong nhân dân đối với Đảng. Nhìn thẳng vào sự thật đó, chúng ta không khỏi băn khoăn ở nơi này, nơi khác, ở địa phương hay từng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học…Việc quán triệt tư tưởng “dân vận khéo” đang dừng lại ở mức độ khác nhau, còn chung chung, việc chỉ đạo thực hiện những việc cần làm theo nội dung dân vận khéo cũng chưa được quan tâm đúng mức, đồng bộ, thậm chí còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, thái độ trách nhiệm, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ cơ bản, coi thường và thiếu trách nhiệm với nhân dân.

Chỉ trong mấy năm qua, đã có 70 cán bộ cao cấp diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra quản lý bị kỷ luật; hiện tượng sử dụng công quỹ trái phép, tham nhũng lấy của công làm của tư,v.v…là những minh chứng cho việc không thực hiện tốt tư tưởng “Dân vận khéo” của Bác Hồ.

Thiết nghĩ, để học tập và làm theo phong cách dân vận khéo của Người, thì phải coi “Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hãy nhớ “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng song” cho nên người làm công tác dân vận hãy thực hiện đúng nội dung “dân vận khéo”, trước hết là nắm chắc tình hình nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ cho dân hiểu, dân tin, biết tổ chức, tập hợp, đoàn kết nhân dân và biết hướng dẫn nhân dân hành động, phải biết làm kiểu mẫu cho nhân dân làm theo và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta về tác phong sâu sát cơ sở: “Trong mọi việc phải biết dựa vào quần chúng, lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn”. Chúng ta hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho chủ trương, chính sách đã được đề ra.

Quán triệt và nhận thức đầy đủ, đúng đắn tư tưởng dân vận khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta hành động đúng và giúp chúng ta thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần huy động sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi mục tiệu nhiệm vụ các mục tiêu do Đại hội Đảng các cấp đề ra./.

Bài viết: Long Xuân