THÁNG 3 – MẦM XANH, tác giả: Đặng Thị Sáng
THÁNG 3 – MẦM XANH
Tác giả: Đặng Thị Sáng
Mùng 3 tháng 3 năm 2003, một ngày nắng ấm áp, thật ấn tượng và dễ nhớ, tôi đặt chân lên vùng đất đỏ bazan, nơi bạt ngàn rừng cao su. Vào thời điểm đó cũng là lúc những mầm non cao su trổ đều, xanh mướt, những khe nắng rọi qua từng tầng lá, xuyên xuống đất trông như những thảm hoa nhỏ nằm trên nền lá vàng…
Con đường dẫn tôi đến Trường (tên gọi trước kia của các Cơ sở cai nghiện ma túy) là đường đất đỏ, hai bên vệ đường, những đám cỏ được khoác lên mình một lớp áo màu vàng đất, bụi tung lên mù trời mỗi khi có chiếc xe tải nào đó chạy qua. Đến nỗi, có lúc ông anh tôi phải tạt vào vệ đường, lủi vào những luống cao su để cho bụi bay bớt đi rồi mới có thể tiếp tục hành trình…Cứ như thế, thời gian để di chuyển từ trung tâm thị trấn vào đến Trường khoảng 30 kilômét mà chúng tôi mất đến gần hai giờ đồng hồ.
Ngày ấy, tôi là cô gái mới ra trường, thơ ngây, non nớt, mọi thứ xung quanh còn rất mới mẻ, chưa hình dung ra hết công việc mình sắp làm, sẽ làm. Thoạt đầu, nghe anh nói (người anh con cô cậu ruột của tôi) sơ bộ về công việc anh giới thiệu cho tôi, về Trường cai nghiện, nghe có vẻ lo lắng, sợ hãi những con người nghiện ngập. Bắt được suy nghĩ của tôi, anh trấn an “không sao đâu, họ cũng là con người, cũng có trái tim…”, tôi tạm yên tâm và quyết tâm chinh phục thử mặc cho bạn bè ngăn cản, khuyên răn. Khi ấy tuy mới ra trường nhưng tôi cũng có một công việc ổn định – nhân viên văn phòng trong một công ty chuyên về giày da. Có một lần đọc trên Báo Tuổi trẻ có bài đăng về những công việc thầm lặng của cán bộ nhận viên các Trường cai nghiện đang ngày đêm giành lại sự sống, giành lại cuộc đời lành lặn cho hàng ngàn người nghiện ma túy. Tôi chợt có suy nghĩ, sao mình không thử khi còn tuổi trẻ, còn sức lực, biết đâu mình có thể góp sức cùng các anh chị ấy. Thế rồi một quyết định nhanh chóng được đưa ra, tôi làm đơn xin nghỉ việc và ra đi. Ngày tiễn tôi lên “rừng”, đứa bạn thân nắm lấy tay tôi dặn dò “lên trên ấy, toàn rừng, toàn người nghiện, đơn vị cách ly nơi dân cư, xa các trung tâm, mày phải cẩn thận nhé, nhớ giữ gìn sức khỏe, đem theo những thứ tao đưa (bạn tôi chuẩn bị một bọc nào là dầu gió, kem chống muỗi, thuốc đau bụng, nhức đầu…), lên tới rồi nhớ viết thư về cho tao ngay đấy, nhắm thấy không ổn thì về đây…”. Nó là bạn mà cứ như chị em ruột thịt vậy, căn dặn từng chút, sợ tôi buồn, tôi nản, sợ tôi không chịu khổ được vì thiếu thốn đủ thứ. Ôm bạn vào lòng tôi tự nhủ, nhất định tao sẽ làm được, tao sẽ giành tuổi thanh xuân của mình để làm những việc có nghĩa…
Những ngày đầu đối với tôi thật khó khăn, mọi thứ đều lạ lẫm, những tối đầu tiên không sao ngủ được, không gian yên ắng, tĩnh lặng đến rợn người, nhìn ra ngoài trời toàn một màu đen, thỉnh thoảng nghe tiếng chim cú kêu từng tiếng sởn da gà, không có đèn đường, quán xá, đối lập hẳn với những ồn ào nhộn nhịp của phố thị. Cảm giác sợ sệt nhất là di chuyển từ khu nhà tập thể đến phòng làm việc, phải đi ngang qua các Đội quản lý học viên, thấy người mới, đặc biệt là con gái, các bạn học viên ùa ra hàng rào, xôn ao những tiếng “em chào cô”, “chào cô”, “cô ơi cô ngẩng lên đi”, “cô ơi, bỏ nón ra đi cô”…Tôi thì chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn ai, cứ cúi đầu bước nhanh, nhưng càng cố muốn nhanh thì hai bàn chân cứ quấn lại với nhau không sao bước nhanh hơn được, mặt mũi thì nóng ran, đỏ tía. May sao vừa kịp lúc ông anh chạy xe tới, thế là nhanh chóng leo lên xe thoát khỏi hai trăm mét đường khổ ải. Vừa đi, anh vừa dặn “em mạnh dạn lên, chứ càng nhút nhát là các em ấy càng chọc phá đấy”. Lời hứa với bạn trước lúc chia tay chợt hiện lên, lấn át hết mọi khó khăn hiện tại, tôi nhanh chóng thích ứng với môi trường và điều kiện sống. Sức trẻ đã cho ôi ý chí và niềm tin. Vào đơn vị được 2 ngày là tôi tham gia ngay đội văn nghệ của Trường, khi ấy đang ráo riết tập luyện các tiết mục tham gia Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 27 của Lực lượng TNXP. Ban ngày thì miệt mài với công việc mới, với đống hồ sơ, chứng từ. Buổi tối sau giờ làm thì tập văn nghệ, nhờ đó mà thời gian qua nhanh hơn. Tôi tham gia sinh hoạt Đoàn thanh niên ngay sau 1 tuần đầu tiên bước chân vào, với vẻ tự tin, xông pha của tuổi trẻ, thêm cái “máu lửa” của các anh truyền vào, khí thế hừng hực. Còn nhớ lần đầu tôi tham gia sinh hoạt Đoàn, Chi đoàn lúc bấy giờ có trên 30 đoàn viên mà nữ thì chỉ có 2 người, do đó rất được “ưu tiên” trong mọi hoạt động, tự nhiên nỗi cô đơn, sợ sệt, nhút nhát… tan biến. Bấy giờ cán bộ nhân viên của Trường có đến 90 phần trăm là độc thân, vì thế mà hoạt động đoàn sôi nổi, cháy bỏng không khác gì thời sinh viên.
Thời điểm đó, nhân sự cho quản lý giáo dục học viên còn rất thiếu thốn, thu nhập của cán bộ nhân viên thì thấp, các lớp bổ túc văn hóa, xóa mù chữ cho học viên được mở vào buổi tối, huy động tất cả đoàn thanh niên tham gia giảng dạy. Dạy miễn phí, không có tiền công, tiền bồi dưỡng. Tôi thì mê làm cô giáo từ nhỏ nhưng không có duyên với nghề sư phạm. Lần này có được cơ hội là tôi “chụp” ngay, đăng ký liền và được bố trí dạy xóa mù lớp 1. Mặc dù được các anh chị Cơ sở dạy nghề truyền lửa, hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm, giáo án…Cũng đem về “nghiên cứu” rất lâu nhưng ngày đầu đứng lớp vẫn thấy hồi hộp, run bần bật. Mang tiếng là học sinh lớp 1 nhưng các bạn học viên còn nhiều tuổi hơn tôi, tôi cố gắng giữ vẻ nghiêm nghị, trấn tĩnh lại sau màn chảo hỏi sơ bộ và đi thẳng vào vấn đề. Thấy tôi nghiêm khắc nên các bạn có vẻ cũng sợ. Thời gian sau này, khi cô trò quen nhau rồi thì hòa đồng hơn, trò truyện nhiều hơn. Tiếp xúc lâu dần, với tấm lòng chân thành, tận tụy của mình, khoảng cách giữa cán bộ và học viên được rút ngắn lại. Một số bạn tâm sự về cuộc đời họ, mỗi người có một hoàn cảnh để đưa đẩy họ đến chung mội mái nhà, mội ngôi Trường – Trường cai nghiện. Ai cũng có ước mơ, cũng có hoài bão của riêng mình. Điều duy nhất tôi có thể làm cho các bạn ấy là giúp các bạn biết chữ, truyền cảm hứng cho các bạn bằng những câu chuyện hài hước, những gương sáng đời thường đi lên từ vũng bùn đen tối để làm lại cuộc đời, tiến về phía trước với một tương lai tươi sáng, rằng ở ngoài kia, gia đình, bạn bè, xã hội đang rang rộng vòng tay đón các em trở về để thành người có ích. Các em cũng hứa với tôi, rằng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, sẽ phấn đấu để không phụ lòng mong mỏi của tôi…
Và cứ thế, mỗi tháng 3 về, mỗi mùa cao su đâm chồi nở ra những mầm xanh mới cũng là vào dịp sinh nhật của Lực lượng TNXP Thành phố, lòng tôi lại thổn thức nhớ về những ngày đầu ấy, với hy vọng những mầm xanh sự sống, sự tự vươn lên của các em học viên cũng như những chồi non xanh biếc kia vô vàn nhựa sống, tràn đầy năng lượng./.