Một :

Người đàn ông có tiếng “ở dơ’’ một thời, và người phụ nữ cũng một thời làm cả thành phố Sài Gòn dậy sóng bởi những chiến công của chị đang vui vẻ đón tiếp tụi tôi, như đón lũ chim lóc chóc bay đi tứ hướng  nay có dịp về thăm.

Anh  tên Thiều Hoành Chí còn Võ thị Bạch Tuyết là chị .

Lâu rồi tôi có đọc một bài  trên Bản tin Lực lượng TNXP viết về chuyện của anh, của chị, đọng lại trong tôi là một người “ …anh là lớp người thuộc tầng lớp trí thức…sẽ không ai hình dung ra, cũng không ai tưởng tượng nổi một bác sĩ sống lem luốt, “bẩn thỉu’’ đến vậy: rất ít khi “lão” leo lên giường ngủ mà chịu rửa “đôi ủng bùn dày cui, đổ dài từ đầu gối xuống tận ngón chân” .Chỉ đến khi cái cô biệt động thành ngày nào – đã là Giám đốc- và đã là sếp để mắt đến tật ‘’ở dơ’’ của anh ( Bản tin LLTNXP số 77 ngày 15/5/2010 của tác giả Phan Tùng Châu) .Có hai bức ảnh chụp tại nhà anh chị (lúc đó mình có ước ao “…sẽ được đến nhà của hai anh chị, gặp tận mặt hai người quá dễ thương, bởi ai là tnxp đều biết chuyện anh “bác sĩ ở dơ’’ và nhờ công của một cô gái đặc biệt đã biến anh thành người đàn ông “ở sạch’’. Vậy mà mãi bốn năm sau mình mới có dịp đặt chân đến ( thật tình thì năm 2013 mình có dịp đòi theo khi gặp nhóm của Nguyễn ĐứcTài ( xưa chung đơn vị với chị Tuyết – nông trường Duyên Hải) khi hay tin anh Chí bệnh, đến thăm. Lúc ấy mình còn lơ ngơ, chưa biết nhiều về “Cặp đôi Xung Phong” tuyệt vời ấy, mãi tận năm 2014 mình mới hồi hộp (đêm trước mình không ngủ được đó nhe) nhờ con ngựa sắt ( cái xe đạp điện cũng do đồng đội tặng ấy mà) – từ khi mình tham gia viết bài cho trang Web do ba đơn vị  thành lập ( 4C – Cơ động 6 – 303) nên cái sự viết của mình nó được bay bổng rõ rệt. Hậu quả, Ủa! kết quả là hôm ấy mình được mời dự buổi điểm tâm thú vị  và có dịp ‘’kể lể’’ với mọi người chuyện ngày đó nè !

Hai :

Mình gặp chị Tịnh .

Cô văn công  be bé, từng hát bằng tất cả trái tim nơi chiến trường ác liệt năm nào, nay đang trước mắt mình, cứ tưởng tượng: cả khoảng trời đất Campuchia như chảo lửa, có đội văn công  phục vụ cho bộ đội, cho tnxp  họ hát với tâm thế “biết đâu lát nữa những gương mặt này sẽ  …đi xa” – Xin ngưỡng mộ các anh chị từng đem tiếng hát của mình làm ấm lòng chiến sĩ và cũng ngạc nhiên khi được biết hiện đội văn công chỉ  mới có một người hưởng chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng ( trời đất ới).

Ba:

Lâu rồi, khi tham gia nấu cháo cùng chị thương binh tnxp Nguyễn thị Lý (303) gặp anh Châu văn Cầu, ảnh tặng cho mình vài quyển báo Tuyến đầu, hai cuốn thơ. Trong đó có bài thơ của anh Võ Thái Nguyễn; hôm ấy cũng có mặt anh, mình khoe tưng bừng …Khi biết ảnh là tác giả của bài “Những người con trai con gái ở Tây Nguyên”, xẹt qua đầu mình một quyết định ( giằng co dữ lắm, tại của quý hiếm mà, giờ dễ gì tìm được) và được ảnh trả lời khi mình nói: “Em tặng nó cho anh, anh chịu không?’’, mọi người biết ảnh nói sao không ?: “Không ! anh không dám nhận vì, vì  quá quý!” mình cười ồ: “Em giữ thì chỉ có giá trị 8 phần, còn với anh tới 15 phần giá trị nữa !”  Coi nè: một bài viết của mình từ thủa “hồng hoang” lúc ấy chắc anh chưa tới hai mươi, bây giờ gần sáu chục gặp lại đứa con tinh thần của mình sao không khỏi nao nao,( gặp mình chắc khóc u …u quá) .

Bốn:

Khi anh Phú đến, mình “tài lanh” nói  ảnh là tác giả bài thơ mà mình sau khi xem xong “khóc u ..u’’, làm mọi người bật cười (hơi quê quê vì nghĩ là mình xạo, bèn đề nghị ảnh đọc)

Anh Nguyễn Văn Phú (303) tác giả bài “ Lời cuối của một thương binh’’, đọc chỉ vài câu rồi nghẹn ngào cáo lỗi, anh Mười Thanh đôi mắt rướm rớm .

Xin ghi vài câu: “ Ra đến chốt thấy hàng trăm tay súng .

Chờ xung phong tải đạn đến chiến hào.

Ai cũng có nụ cười tuổi trẻ.

Mắt thâm quầng gương mặt xanh xao.

…………………………………..

Khi rời chốt tải về nhiều tử sĩ.

Một thương binh máu thấm rỉ trên đầu.

Anh bảo nhỏ xoay người lên phía trước.

Đường còn xa không còn kịp nữa đâu.

Để tôi ngắm bầu trời đêm Tổ Quốc.

……………………………………..

Nhờ các bạn dìu tôi qua lối đó.

Nhạc tiễn đưa đã tấu khúc liên hồi.

…………………………………

Cả không gian cánh rừng như im lặng.

Nón tai bèo vuốt đôi mắt bạn tôi. ”.

Nhân đây mình kèm luôn bài viết đã được đăng ở Bản tin LL/TNXP số 87 có tựa “Không đề” sau khi khóc u u vì bài thơ “Lời cuối…”

“Nhỏ” ngày xưa giờ đã ngoài 50.

Đau đáu nỗi lòng, ngày ấy chẳng hỏi tên.

“ Anh thương binh máu thấm rỉ trên đầu.

Anh bảo nhỏ xoay người lên phía trước.”

Sao lúc ấy mình không khóc nhỉ?

Cứ nghẹn ngào thầm cầu nguyện “Ráng đi anh”

Mỗi bước đi em cố chạy thật nhanh.

Cho Thần chết…hụt hơi, không đuổi kịp.

Có được đâu bởi đạn thù ác nghiệt.

Xé tan tành bao tuổi trẻ ước mơ.

Chiến tranh ơi! Mi hãy cút xa đi.

Để đất nước không có chỗ ghi:

“ Nơi đây là Nghĩa trang liệt sĩ” .

Năm :

Anh Giáo Hoá  bức xúc khi : “Anh chị em mình đi K mấy ngàn người, thế mà hưởng chế độ theo Quyết định 62 chưa tới con số một ngàn …’’ mình biết quỹ thời gian của anh chị em mình hiện tính từng  giờ. Hôm nay gặp vài bữa nghe tin tiễn họ về nơi xa. Như minh chứng cho chuyện đáng ghét đó, anh Mười Thanh thông báo vừa nhận tin nhắn của anh Hùng rằng là có một đồng đội vừa đột quỵ …

Sáu :

“Anh Sáu già’’ ( vẫn còn trẻ mà sao ai cũng gọi là già vậy ta ?) .Anh Mười Thanh, anh Duy Linh, anh Sáng…ai cũng có một nỗi niềm về chuyện một thời máu lửa , ai cũng muốn tương lai sân chơi của các ông già bà lão khởi sắc thêm, lớn mạnh thêm…

Ban Chỉ Huy có rồi ( là anh Mười, anh Bình, anh Trí ) còn “giàn giáo’’  ở dưới chờ sự chung tay của tất cả. Biết nói sao nhỉ ?

Toàn là vác tù và hàng tổng không thôi, nhưng mình tin sẽ chẳng có gì làm cản chí khí ( trừ sức tàn lực kiệt thôi – mình hận thù tuổi già đau ốm bệnh hoạn, hic).

Bảy :

Anh Thanh Bình ơi ! tóc anh bạc trắng, đôi tay anh chai sần, anh nói cuộc sống nhà vườn nó vậy ! ấy thế mà vẫn “ hiên ngang” phụ trách một mảng của CLB .

Bái phục những tấm lòng .

Và …N …

Nhiều lắm những cảm xúc, đối với mình, như một đứa trẻ vào lớp một trong cuộc chơi này, mình không biết diễn tả thế nào nhỉ? bởi 1980 mình đã chuyển ngành, cái  môi trường Tnxp nó nằm trong ký ức xa xôi, cơm áo gạo tiền cuốn mình  mấy mươi năm, thậm chí có biết gì về sự sôi nổi tiếp tục của Tnxp về sau. Chỉ vài năm nay thôi, mình mới sung sướng vỡ òa tìm được niềm vui của tuổi “gió heo may” và mình hối hả như sợ sắp chết tới nơi khi đi tìm, viết về những chuyện vui, buồn của  đời tnxp của bất cứ ai mình gặp, nhiều khi gặp người cho mình dở hơi, cho mình làm chuyện ruồi bu, và họ hỏi làm vậy  tháng  mấy triệu. Trời thần ơi ! chỉ có những người giống mình mới hiểu thôi…tuy vậy cũng có người  trút cạn cho mình chuyện thâm cung bí sử, hấp dẫn, kèm theo câu bà đừng ghi tên tui, hay chuyện giờ tui nói cho bà, bà kiếm dùm tui người đó tại vì, xưa thương mà hổng dám nói v.v. riết rồi mình thành kho dự trữ thật nhiều chuyện vui, buồn của đồng đội. Có lúc nghe xong lăn ra bệnh vì “khóc u u” thương lắm những nỗi đau, bất hạnh của họ.

Và hôm nay trong mảnh sân vườn của anh “bác sĩ ở dơ’’ và cô biệt động thành, mình đã được nhìn thấy những tấm lòng thật là, thật là …TNXP, thôi nhé, hãy chậm lại để đong đầy cảm xúc ! phút giây này không có ở lần hai.

Một chút tâm tình của mình gởi đến BBT, thấy được thì cho đăng, không thì xem như đây là lời tâm tình của đứa em gái tnxp be bé nay tóc bạc da mồi vẫn luôn nhớ Tuổi Xung phong ( muốn khóc u u rồi nè!)

Tác giả:Cẩm Hồng