HỘI CỰU THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MƯỜI NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ( 2005-2015)

PHẦN THỨ NHẤT

 Thanh niên xung phong “một thời và mãi mãi”.

Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 là một sự kiện lịch sử trọng đại chứng minh cho sự vùng lên mãnh liệt của nhân dân miền Nam tiến lên trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân trong bối cảnh mới, hướng tới mục tiêu “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Ngay từ  năm 1959, Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam đã chỉ đạo thành lập tổ chức Đảng ở miền Nam Việt Nam được gọi là  Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam. Ngày 01 tháng 01 năm 1962, Đảng được thành lập tại một vùng căn cứ cách mạng ở Tây Ninh. Năm 1973, Đảng đổi tên thành Đảng Nhân Dân Cách Mạng miền Nam Việt Nam.

Tiếp đó, Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam được thành lập và  tiến hành Đại Hội lần thứ nhất, từ ngày 17 đến ngày 26 tháng 3 năm 1965. Đại hội phát động phong trào “Năm  xung phong chống Mỹ cứu nước” và đến năm 1973, Đoàn đổi tên thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh, Trụ sở đóng tại khu rừng Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đại hội Đoàn lần thứ nhất đã chọn bài hát “ Lên Đàng” của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước làm bài ca chính thức của Đoàn ( Đoàn ca).[1] Sau Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ nhất, ngày 20 tháng 4 năm 1965, lực lượng Thanh Niên Xung Phong giải phóng miền Nam ra đời.[2]

Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam ra đời trong bối cảnh lịch sử  rất đặc biệt,  đó là lúc “Đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiền tranh cục bộ, Quân giải phóng đã giành được nhiều thắng lợi lớn. Đã thành lập các trung đoàn chủ lực, tiến tới thành lập các sư đoàn 9, sư đoàn 5, sư đoàn 7 ở miền Đông Nam Bộ, rất cần một lực lương phục vụ chiến đấu. Từ yêu cầu đó đã ra đời lực lượng Thanh Niên Xung Phong giải phóng miền Nam”.[3]

Ra đời và tồn tại trong 10 năm (1965-1975), nhưng Lực lượng Thanh niên Xung phong Giải phóng miền Nam (TNXPGPMN) đã lập nên những chiến công vẻ vang, viết nên trang sử hào hùng, in đậm truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là một tổ chức thanh niên tự nguyện xung phong cống hiến hết mình với truyền thống “phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”.[4] Đó là một tập thể thanh niên có ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn bất chấp hiểm nguy, làm cho các đơn vị bộ đội chủ lực quân giải phóng cảm phục, gọi TNXP là lực lượng “ chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” (đi vững, vai chịu nặng, đêm tối  mắt vẫn sáng để hành quân/ bụng đói cơm vẫn chịu đựng làm nhiệm vụ ). Là lực lượng luôn sẵn sàng thực hiện hoàn thành mọi nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu theo phương châm “đi là đến, nhận là làm, chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa về”. Dù cuộc sống vô cùng gian khổ, nhưng, vẫn không lùi bước, thực hiện phương châm hành động “Chắc tay súng, thẳng tay thồ, vững tay lái , bền vai tải, công binh, thồ tải, chiến đấu toàn năng”[5] để hoàn thành nhiệm vụ “Phục vụ chiến đấu và chiến đấu, tranh thủ mọi điều kiện để học tập rèn luyện, trưởng thành”[6].

Nhiều đơn vị, trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường đã nêu cao khẩu hiệu hành động “một người cũng học,một thầy một trò cũng học, ham học như ham công tác”[7]. Nhưng điểm nổi bật là lòng nhân ái của nữ TNXPGPMN đối với các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam là vô hạn, là tấm gương tiêu biểu tận tình phục vụ, chăm sóc thương binh. Gương sáng của nữ anh hùng liệt sỹ Đoàn Thị Liên 21 tuổi quê ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương thuộc đội 112 Phú Lợi -Tổng đội TNXPGPMN đã lấy thân mình che chắn, cứu  sống thương binh và anh dũng hy sinh, trước khi vĩnh biệt cõi đời với lời kêu gọi cuối cùng “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” tại mặt trận Cần Lê (đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh) trong chiến dịch mùa mưa năm 1966 đã vang vọng khắp chiến trường miền Nam và được lan truyền trong các sư đoàn quân giải phóng “khi bị thương gặp TNXP là thấy sống rồi” hoặc “Ra trận nhìn lại phía sau có TNXP là yên tâm…”[8]

 

Lịch sử Lực lượng TNXPGPMN mãi mãi tôn vinh  các đơn vị, như: “Tiểu đoàn vận tải nữ TNXP 232, Liên đội TNXP Võ Như Hưng –Quảng Đà, Lực lượng TNXP Quảng Nam (Khu V), Đoàn vận tải TNXP – H 50 (Cực nam Trung bộ), Lực lượng TNXP ti3ng Cà Mau, Liện đội 1- Tuyến đường 1C miền Tây Nam bộ; Tổng đội TNXPGPMN và các Đội TNXP Bình Giã Chiến thắng” (C 1265);  đội TNXP Ấp Bắc 1, Ấp Bắc 2, đại đội Hoàng Lệ Kha tỉnh Tây Ninh,  Đội TNXP Nguyễn Việt Khái tỉnh Cà Mau, Đội TNXP Nguyễn Văn Tư tỉnh Bến Tre,  TNXP tỉnh Long An .v.v… Còn ở thành phố Hồ Chí Minh tiêu biểu là đội TNXP “Thành Đồng 198” trực thuộc Tổng đội TNXPGPMN  thời kỳ chống Mỹ cứu nước  là đơn vị đầu tiên được thành lập ngày 19/8/1965 mà tiền thân của là Đội 100 ra đời vào ngày 20/4/1965 gồm các nam, nữ  con em của thành phố Sài Gòn  – Gia định và các tỉnh Nam bộ tuổi từ 15 đến 20, xuất thân từ nông thôn, thành thị, là học sinh, sinh viên, người Việt, người Hoa, Việt kiều Cămpuchia, theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn đã tình nguyện tham gia vào Lực lượng TNXPGPMN tập trung không thời hạn phục vụ chiến trường. Ngày 20/9/1965, Đội 198 trong đội hình Liên đội 9 thuộc Tổng đội TNXPGPMN trực tiếp phục vụ Trung đoàn 2 ( Đoàn Đồng Xoài). 10 năm phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên các chiến trường ác liệt và vô cùng gian khổ, Đội 198 TNXP GPMN được giao nhiều nhiệm vụ, nhưng nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, là con chim đầu đàn của Liên đội 9 và Tổng đội TNXPGPMN nhiều năm liền, mà tiêu biểu là phục vụ 252 trận đánh, chăm sóc, chuyển, tải thương 2.348 chiến sĩ; vận chuyển trên 3.540 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm.v.v…; xây dựng 02 bệnh viện tiền phương; đào đắp 664 hầm phẫu, 1.500  công sư, 500 mét giao thông hào, làm 22km đường với  hàng ngàn mét khối đất;  Chiến đấu 16 trận, diệt 120 tên địch, bắn cháy 02 xe M113, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, thu và phá hủy 1 số vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ… Sau Hiệp định Pari, đơn vị tham gia  chăm sóc, bảo vệ 3.500 cán bộ, chiến sỹ được trao trả… Thành quả đó đã góp phần xây đắp nên truyền thống Liên đội 9 TNXP, ngọn cờ đầu của Tổng đội và được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 tặng: “ Đoàn kết, khiêm tốn – Phục vụ chí tình – Sống anh dũng – Chết vinh quang”. Năm 2011, Đội 198 Thành Đồng  Sài Gòn – Gia Định đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và 3 cá nhân của đơn vị cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

  Những gương anh hùng liệt sĩ TNXPGPMN luôn luôn được tỏa sáng qua các thời đại, như: Đoàn Thị  Liên, Trương Chính Thanh, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Võ Thị Rậm, Phan Thị Mãnh, Phạm Thị Yến, Phan Tấn Thành,Trang Bá Phúc, Lê Hùng Minh , Lê Trung Kiên[9], Trịnh Duy Hoàng là những liệt sĩ thuộc Tổng đội TNXPGPMN và Tà Pô Cương (đoàn vận tải TNXP H50 cực Nam Trung bộ); Võ Thị Hồng Láng, Nguyễn Thị Ngọc Đẹp tuyến đường 1C Tây Nam bộ; Lê Thị Thu Hanh, Phan Thị Thao, Nguyễn Thị Huân thuộc Lực lượng TNXP khu V.  Nói về TNXPGPMN, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Minh Triết viết: “ tôi hiểu rất rõ tinh thần hăng hái xung phong, lòng dũng cảm và những cống hiến của anh chị em là hết sức to lớn, hết sức vẻ vang…Tôi đã chứng kiến và hết sức khâm phục sự hy sinh gian khổ mà các đồng chí phải chịu đựng… Những chiến công hào hùng một thời đáng nhớ của Lực lượng TNXPGPMN vẫn còn sống mãi với non sông đất nước và sẽ còn ghi lại những dấu ấn không thể nào quên đối với các thế hệ  thanh niên hôm nay và mai sau.“[10].

 Lực lượng TNXPGPMN đã được Trung Ương Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ truyền thống thêu 12 chữ vàng “ Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang; 1 huân chương Thành Đồng hạng nhất; 2 huân chương Thành Đồng hạng Ba; 1 huân chương quân công hạng 3; 18 huân chương giải phóng hạng nhất; 62 huân chương giải phóng hạng ; 217 huân chương giải phóng hạng 3…” [11]. (Còn nữa).

[1] Bài hát “ Lên Đàng” là bài hát chính thức của tổ chức Thanh Niên Tiền Phong trong Cách Mạng Tháng 8  năm 1945 ở  Nam Bộ do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác. Khi tham gia chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam của Mặt trận Dân tôc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam với chức vụ Bộ trưởng Văn Hóa,Thông tin, Tuyên truyền ông mang tên là Huỳnh Minh Siêng. Sau năm 1975, ông giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam. Ông được nhận huân chương độc lập và giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc.

[2]  Nguyễn Minh Triết – “ Lời Giới thiệu” sách “TNXPGP Miền Nam phục vụ quên mình,anh dũng xung phong,lập công vẻ vang”. Ban LL TNXPGP MN tháng 4-2001, tr. 7.

[3]  Nguyễn Minh Triết – tài liệu đã dẫn, tr.7.

[4]  Dòng chữ thêu trên lá cở của  Ủy Ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương  Mặt trận DTGPMNVN Huỳnh Tấn Phát trao tặng  Tổng độiTNXPGPMN vào tháng 6 năm 1969 nhân dịp Đại hội Liên Hoan chiến sĩ thi đua dũng sĩ TNXP lần thứ hai.

[5] Trần Văn –“Không tiền tuyến, không hậu phương- đâu Đảng cần,đó là tiền tuyến”,trong sách “TNXPGPMN …,Ban Liên Lạc TNXPGPMN  tháng 4-2001, tr. 41.

[6] Trần Văn –  tài liệu đã dẫn, tr. 47.

[7] Lê Quang Thành– “Hướng rèn luyện của thanh niên xung phong giải phóng miền Nam”, tài liệu đã dẫn, tr. 26.

[8] Đinh Phong – “ Đoàn Thị Liên- người anh hùng hết lòng vì đồng đội”, tài liệu đã dẫn, tr.  107-108.

[9]  Nguyễn Thị Hoàng Anh tên thật là Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1951 tại xã Tân Đức, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An bị lính Mỹ xông vào bắt sống. Chị đã dùng lựu đạn giết chết 4 tên lính Mỹ và hi sinh. (Theo tài liệu “ Huyền thoại TNXP Việt Nam “ ) , NXB TTXVN, 2009, tr.212.

[10]  Nguyễn Minh Triết – trong sách” TNXPGPMN phục vụ quên mình  …”, tài liệu đã dẫn, tr. 7.

[11] Theo sách “Huyền thoại TNXP Việt Nam”, NXB TTX VN, Hà Nội 2009, tr. 175.