HỘI CỰU TNXP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG CỦA TNXP VIỆT NAM

I/ THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ “THANH NIÊN XUNG PHONG TRƯỜNG HỌC LỚN”

Tổ chức TNXP Việt Nam ra đời ngày 15/7/1950, do Bác Hồ kính yêu trực tiếp sáng lập, giáo dục, chỉ đạo. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc (chống Pháp, chống Mỹ) và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Lực lượng TNXP Việt Nam, dù có tên gọi khác nhau nhưng đều thể hiện tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn Thanh niên xung phong” với mục tiêu chiến lược: Giác ngộ lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng để phát huy sức mạnh “rời non lấp biển” của lớp người trẻ tuổi trở thành lực lượng xung kích phục vụ kháng chiến cứu nước thắng lợi; là một trường học lớn đào tạo rèn luyện các thế hệ cán bộ vừa Hồng, vừa Chuyên ngay từ lớp trẻ, ngay từ trong  khói lửa chiến tranh để phục vụ công cuộc kiến quốc và bảo vệ Tổ quốc lâu dài về sau. Sinh thời, Bác Hồ luôn coi Thanh niên xung phong là “trường học lớn và tốt”[1]. Người dạy Thanh niên xung phong “ Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên” và luôn mong muốn “…các cháu đoàn kết, chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”[2]. Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ về “Trường Học lớn TNXP” ngay từ khi ra đời, được sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, Lực lượng TNXP Việt Nam đã phát huy cao độ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần xứng đáng cùng toàn quân, toàn dân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tại miền Nam “Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam ra đời trong bối cảnh: “Đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiền tranh cục bộ, Quân giải phóng đã giành được nhiều thắng lợi lớn. Đã thành lập các trung đoàn chủ lực, tiến tới thành lập các sư đoàn 9, sư đoàn 5, sư đoàn 7 ở miền Đông Nam Bộ, rất cần một lực lương phục vụ chiến đấu. Từ yêu cầu đó đã ra đời lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam”.[3] Dù chỉ tồn tại trong 10 năm (1965-1975), nhưng Lực lượng Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam (TNXPGPMN) đã lập nên những chiến công vẻ vang, viết nên trang sử hào hùng, in đậm truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là một tổ chức thanh niên tự nguyện xung phong cống hiến hết mình với truyền thống: “phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”.[4] Đó là một tập thể thanh niên có ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn bất chấp hiểm nguy, làm cho các đơn vị bộ đội chủ lực quân giải phóng cảm phục, gọi TNXP là lực lượng “ chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” (đi vững, vai chịu nặng, đêm tối mắt vẫn sáng để hành quân/ bụng đói cơm vẫn chịu đựng làm nhiệm vụ ). Là lực lượng luôn sẵn sàng thực hiện hoàn thành mọi nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu theo phương châm “đi là đến, nhận là làm, chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa về”. Dù cuộc sống vô cùng gian khổ, nhưng, vẫn không lùi bước, thực hiện phương châm hành động “Chắc tay súng, thẳng tay thồ, vững tay lái , bền vai tải, công binh, thồ tải, chiến đấu toàn năng”[5] để hoàn thành nhiệm vụ “Phục vụ chiến đấu và chiến đấu, tranh thủ mọi điều kiện để học tập rèn luyện, trưởng thành”[6].

Nhiều đơn vị, trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường đã nêu cao khẩu hiệu hành động “một người cũng học, một thầy một trò cũng học, ham học như ham công tác”[7].  Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta sẽ mãi mãi ghi nhận, tôn vinh các đơn vị TNXP thuộc Tổng đội TNXPGPMN  thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Qua tôi luyện trong môi trường TNXP, tuyệt đại bộ phận thanh niên đều trải qua chiến đấu, công tác, học tập, rèn luyện, lập công xuất sắc và trường thành nhanh chóng. Thực tiễn cách mạng đã khẳng định và chứng minh hùng hồn về tư tưởng “Trường Học lớn TNXP” là đúng đắn, sáng tạo, đặc sắc, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Đảng ta, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, góp phần to lớn cho cuộc kháng chiến thần thánh, toàn dân, toàn diện, trường kỳ đưa cách mạng Việt Nam đạt đến đỉnh cao thắng lợi; đồng thời có giá trị lịch sử và thực tiễn vô cùng to lớn trở thành tài sản văn hóa, tinh thần vô giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân đặc biệt là của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Do đó chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, học tập, thấm nhuần tư tưởng ấy để vận dụng sáng tạo, phù hợp mô hình “Trường Học lớn TNXP” trong kháng chiến vào giai đoạn xây dựng phát triển đất nước, đặc biệt là trong công cuộc bảo vệ vững chắc toàn vẹn Tổ quốc trước những thử thách vô cùng phức tạp hiện nay.

Khí thế ra quân của ngày 28-3 năm 1976 tại sân vận động Thống Nhất đã hơn 40 năm, nhưng những hoạt động của Lực lượng Thanh niên xung phong  thành phố Hồ Chí Minh trong suốt quá trình ấy vẫn in đậm dấu ấn trong lòng đồng bào thành phố. Hàng  chục ngàn nam, nữ Thanh niên xung phong thành phố năm xưa vui lòng từ giã phố phường, mái trường thân yêu, ánh sáng điện phố phường và những buổi dạo chơi trên phố để đến với rừng, đắp xây nông trường. Họ háo hứng đi đến những nơi mà chưa từng biết, chưa từng cảm nhận, những nơi hoang vắng, không điện nước, đồng chua, nước mặn, những nơi gian khổ, heo hút, rừng thiêng, nước độc, mọi cái đều phải tự lực, phải đoàn kết mới có thể vượt qua những thử thách khắc nghiệt trong đời thường. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, lớp TNXP trẻ còn mê ăn “me chua”, “trêu chọc” nhau ngày nào, nay buộc phải quay lại với hoàn cảnh sống thời chiến ác liệt. Nay, sau hơn 40 năm lớp người ấy đã trở thành những hội viên cựu Thanh niên xung phong tiếp tục tham gia cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Cũng tại thành phố này, còn hàng trăm Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước hoạt động ở nhiều chiến trường, nhiều địa phương về công tác và sinh sống tại thành phố tham gia vào tổ chức Hội Cựu TNXP.

   II/Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh ra đời:

Sau ngày miền Nam được giải phóng, các đơn vị thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (TNXPGPMN) lần lượt giải thể. Phần nhiều cán bộ, đội viên trở về quê, mỗi người mỗi nơi, hoàn cảnh mỗi người khác nhau, nhưng đều có chung nguyện vọng lập Ban Liên lạc làm gạch nối giúp Trung ương Đoàn chăm lo cho cựu Thanh niên xung phong (TNXP) và tổ chức những cuộc họp mặt để đồng đội gặp nhau sau nhiều năm xa cách.

Được các đồng chí lãnh đạo ủng hộ, các đồng chí nguyên là cán bộ Chỉ huy Tổng đội TNXPGPMN đã đứng ra tổ chức buổi gặp mặt lịch sử với hơn hai nghìn cựu TNXPGPMN các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã tự túc đến tham dự buổi gặp mặt tại khu du lịch hồ Bình An, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé vào 20/4/1990. Tại đây, diễn ra cuộc họp thành lập Ban liên lạc TNXPGPMN, làm gạch nối với Trung ương Đoàn để chăm lo cho cựu TNXP.

Sau đó, từ 1995 trở đi đã có nhiều Ban Liên lạc TNXP truyền thống  ở các quận, huyện, liên quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và hoạt động rất sôi nổi. Các Ban Liên lạc này đại diện cho hàng ngàn cựu TNXP sinh sống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã từng tham gia xây dựng kinh tế ngoại thành, tham gia phục vụ chiến đấu, chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam và tham gia giúp bạn xây dựng chính quyền trên đất nước Cămpuchia (từ 4/1977 đến 1/1979) đã hoàn thành nghĩa vụ nay chuyển ngành, xuất ngũ hoặc trở về đời thường. Đây là tiền đề cho việc hình thành bộ khung của các Hội Cựu TNXP quận, huyện sau này.

Có thể nói, nguồn nhân lực cơ bản của Hội cựu TNXP ở thành phố Hồ Chí Minh là hàng nghìn nam, nữ TNXPGPMN, hàng vạn đội viên của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 đã hoàn thành nhiệm vụ và gần một trăm đội viên TNXP Sài-Gòn-Gia định “vượt tuyến” năm 1954. Lực lượng TNXP thời kỳ chống Pháp đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh có hơn 350 đồng chí hầu hết là từ các đội TNXP Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước “nhập cư” vào thành phố sau năm 1975, trong đó có TNXP tháng Tám của thủ đô Hà Nội được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng đặc biệt ở thành phố, số TNXP sau năm 1975 chiếm số đông và đa số họ chưa được xác nhận vào danh sách người có công với cách mạng. Nhiều hài cốt của TNXP trong thời gian chống Mỹ cứu nước và trong chiến tranh biên giới Tây Nam còn chưa được qui tập hết, nhiều TNXP bị thương tật, nhiễm chất độc da cam, bị bệnh sau khi giải ngũ chưa được thống kê, khai báo để giải quyết chế độ, chính sách. Nhiều đơn vị TNXP, cá nhân TNXP là những tấm gương sáng trong chiến đấu chưa được vinh danh. Hàng chục năm, sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng nhiều TNXP còn lâm vào cảnh nghèo, khó khăn, ít được quan tâm. Tình hình ấy đã thôi thúc những đồng đội TNXP có tâm đức, có điều kiện tích cực hoạt động tập hợp cựu TNXP lại để tiến tới tổ chức các Ban Liên lạc Cựu TNXP địa phương.

Sau vài lần họp chuẩn bị tại văn phòng Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tại số 4, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, ngày 15 tháng 7 năm 1996, dưới sự chủ trì của Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh chính thức thành lập do đồng chí Huỳnh Xuân Lũy, nguyên Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Thành Phố Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ của Ban Liên lạc lúc bấy giờ là:

  1. Thống kê danh sách TNXP hiện có tại các quận, huyện thành phố và tổ chức các cuộc họp mặt của các đơn vị, quan hệ với Ban Liên lạc cựu TNXP Việt Nam và các tỉnh thành Nam Bộ.
  2. Lập danh sách khẩn cấp để thực hiện trợ cấp cho TNXP thời kỳ chống Mỹ cứu nước theo quyết định 104 của chính phủ.
  3. Lập danh sách đề nghị, tổ chức lễ trao tặng kỷ niệm chương TNXP nhân kỷ niệm ngày truyền thống TNXP hàng năm.
  4. Chuẩn bị thành lập Ban Vận động thành lập Hội cựu TNXP theo nghị định 88/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau khi được thành lập, Ban liên lạc Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã họp với đại diện cựu TNXP các thời kỳ và đề cử danh sách Ban Vận động thành lập Hội Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh, gồm 17 đồng chí và thống nhất đề cử đồng chí Trần Văn Mãnh, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXPGPMN, Trưởng ban Liên lạc cựu TNXP GPMN  làm Trưởng ban vận động thành lập Hội Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí Huỳnh Xuân Lũy, Mạc Đường, Đoàn Thị Thanh Xuân làm phó ban.

Từ khi thành lập Ban Liên lạc đến việc hình thành Ban vận động, được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của Thành Đoàn, Lực lượng TNXP thành phố về mọi mặt, cùng sự  tiếp sức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) thành phố Hồ Chí Minh, nên quá trình thực hiện và hoàn tất hồ sơ thành lập Hội có bước tiến đáng kể và nhanh hơn. Với tinh thần chuẩn bị khẩn trương, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm của Ban vận động thành lập Hội, được sự đồng ý của Thường trực UBND thành phố, ngày 26/11/2005, Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh chính thức diễn ra trong bầu không khí đoàn kết, tin tưởng, phấn khởi, xúc động của 350 đại biểu đại diện cho hàng vạn cựu TNXP các thế hệ hiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội vui mừng được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ban, ngành và thành phố tham dự. Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất (2005-2010), thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn, ra sức phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh “ giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Có thể nói, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, sự giúp đỡ của các sở, ngành thành phố, nhất là sự giúp đỡ, hỗ trợ chí tình của Thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Lực lượng Thanh niên xung phong  thành phố Hồ Chí Minh và với tinh thần xung kích, thấm nhuần lời dạy “Trường học lớn Thanh niên xung phong” của Bác Hồ, Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua  những khó khăn, thử thách để xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

       III/ Hội Cựu TNXP thành phố 10 năm hình thành và phát triển:

Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam nói chung, TNXPGPMN và Lực lượng TNXP thành phố  nói riêng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Trường học lớn Thanh niên xung phong”, trong 10 năm qua, hàng  ngàn cựu TNXP các thời kỳ (chống Pháp, xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc, TNXP giải phóng miền Nam và Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang sống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn một lòng, một dạ trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Với ý chí và quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển ,quyết chí ắt làm nên”, “TNXP trường học lớn và tốt” của tuổi trẻ. Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu” nên đã và đang hăng hái tham gia thực hiện phong trào “ Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng theo lời Bác Hồ dạy và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  góp phần xây dựng, bảo vệ thành phố thân yêu và làm gương cho con cháu noi theo. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Trường học lớn Thanh niên xung phong” , “Cựu mà không cũ”, qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hội Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định và tiếp nối xứng đáng  truyền thống anh hùng của TNXP Việt Nam, TNXPGPMN và Lực lượng TNXP thành phố. Hội đã trở thành mái nhà chung của hàng ngàn cựu TNXP các thời kỳ đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Với nhiệm vụ: “Tập hợp đoàn kết cựu TNXP các thời kỳ; chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội; làm nhân chứng lịch sử, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết chính sách đối với cựu TNXP; phối hợp với  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ và hoạt động nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”. Hội Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của quận, huyện và thành phố  thành lập 24 Hội quận, huyện và 290 Chi hội phường, xã. Kết nạp được 7.183 hội viên.

Với  vai trò nhân chứng, Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho lãnh đạo thành phố  làm tốt việc giải quyết chế độ chính sách cho 1.636 trường hợp người có công là cựu TNXP theo quyết định 290/2005/TTg, quyết định 104/1999/TTg,quyết định 170/2008/TTg, quyết định 120/QĐ-TTg, quyết định 40/2011/TTg và quyết định 62/2011/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với Ban Liên lạc TNXPGPMN phát hiện, lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng  05 tập thể và truy tặng 12 liệt sỹ của Tổng đội TNXPGPMN danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Chủ tịch nước đã ký phong tặng 03 tập thể và truy tặng 09 cá nhân danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phối hợp với Ban Liên lạc TNXPGPMN, Ban Liên lạc Sư đoàn 9, Hội Cựu TNXP các tỉnh thuộc Quân khu 7, Quân khu 9 và  huy động hơn 1.000 lượt cựu TNXP, tổ chức 231 lần khảo sát, xác định 164 điểm chôn cất liệt sỹ, đã bốc  được 530 hài cốt đồng đội.Tổ chức 17 lần tiễn đưa hài cốt liệt sỹ về an nghỉ tại nghĩa trang địa phương. Sưu tầm, lập danh sách 1.614  liệt sỹ TNXP ghi danh tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và khu tưởng niệm TNXPGPMN tại đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh.

Với tinh thần “ Vì đồng đội – chăm lo cho đồng đội”, Hội đã vận động các tổ chức, đoàn thể, các mạnh thường quân và đồng đội TNXP đóng góp số tiền trên 25,7 tỷ đồng  để xây dựng 264 căn nhà tình nghĩa, tình thương, nghĩa tình đồng đội, mái ấm tình thương, ngôi nhà mơ ước; sửa chữa chống dột 158 căn nhà, hỗ trợ vốn cho 712 hộ cựu TNXP thoát nghèo, tặng 22 xe lăn cho người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 120 nữ cựu TNXP nghèo, cấp 964 suất học bổng cho con cựu TNXP nghèo, tặng 471 thẻ BHYT, 140 sổ tiết kiệm cho nữ cựu TNXP nghèo, bệnh tật; giới thiệu mổ mắt miễn phí cho 23 trường hợp; thăm, tặng 14.634 phần qùa trong dịp lễ, tết, ngày Thương binh liệt sỹ.v.v…Hỗ trợ 20 hộ cựu TNXP vay vốn ngân hàng chính sách để làm ăn, sinh sống. Đóng góp ủng hộ Trường sa bằng 155 tin nhắn, bằng 159,7 triệu đồng.

Phối hợp với đài truyền hình thành phố tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp chủ đề “ Sống mãi tình đồng đội” gây quỹ giúp đỡ TNXP khó khăn, thu được trên 2,689 tỷ đồng. Ngoài ra, còn vận động xây dựng 03 cầu nông thôn, 02 lớp học tình thương, tặng tập, vở, bút viết, sách giáo khoa, đồng phục học sinh cho vùng sâu, vùng xa, trị giá 610 triệu đồng, 10.825 k gạo và trên 2,6 tỷ đồ cho quỹ vì người nghèo.

Phối hợp với Thành Đoàn và Lực lượng TNXP thành phố tổ chức nhiều đoàn với 39.420 lượt cựu TNXP và thanh thiếu niên về thăm lại đường Trường sơn huyền thoại; Viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; Thành cổ Quảng Trị, Làng Sen quê Bác;  Thủ đô Hà Nội, Thủ đô kháng chiến Tân Trào, Đền Hùng, Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.v.v…Thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Tiết  tiếp và thăm hỏi động viên; tổ chức các ngày truyền thống thành lập Lực lượng TNXP Việt Nam, TNXP  thành phố Hồ Chí Minh.

Phối hợp với Thành đoàn  và  đoàn thể địa phương vận động 44.860 lượt cựu TNXP tham gia phong trào thi đua và các cuộc vận động “ Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng làm theo lời Bác dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “ Toàn dân  đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “ Vì người nghèo”, “Vì biển đảo quê hương- Vì tuyến đầu Tổ quốc”… Nổi bật là tham gia cuộc vận động “ Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng làm theo lời Bác dạy  và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Hội phát động và thu hút 10.000 lượt hội viên tham gia. Nhiều gương sáng cựu TNXP của thành phố được báo cáo điển hình tiên tiến cựu TNXP toàn quốc có sức cổ vũ, lan tỏa, tạo sức mạnh động viên cựu TNXP  vượt mọi khó khăn, đóng góp công sức, trí tuệ  xây dựng thành phố Hồ Chí Minh “ Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Hội còn tham gia chương trình giao lưu ca nhạc “ Những người con bất tử” do HTV tổ chức; chương trình giao lưu “Mãi mãi một mùa xuân” do Đài VTV và TW Hội tổ chức tại đền thờ 32 dân công hỏa tuyến hy sinh năm Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Lộc A, Bình Chánh. Phối hợp với báo Phụ Nữ thành phố  tổ chức họp mặt chủ đề “ Sáng mãi niềm tin”. Cùng Ban Liên lạc TNXPGPMN và đài Truyền hình thành phố xây dựng bộ phim tài liệu  6 tập về “ TNXP Giải phóng miền Nam”, xuất bản lần thứ 2 cuốn hồi ký “ Một thời TNXPGPMN” với số lượng 4.000 đầu sách. Phối hợp với HTV, xây dựng 2 phim phóng sự “ Dấu lặng đời thường” , “Nghĩa tình đồng đội” và tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “ Sống mãi tình đồng đội” nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạnh, truyền thống TNXP.

Với thành tích đạt được trong 10 năm qua, Hội  Cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen  của Thủ tướng năm 2008; 4 Bằng khen UBND thành phố Hồ Chí Minh các năm 2007, 2009, 2011, 2013; Bằng khen UBTWMTTQ Việt Nam, 2 Bằng khen UBTWMTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc các năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013 và 2014. UBND thành phố tặng Cờ đơn vị xuất sắc các năm: 2008, 2013 và nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể xuất sắc.[8]

Có được những kết quả đáng kích lệ nêu trên, trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành thành phố, cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quận, huyện, phường, xã  và đặc biệt  là có sự cộng tác nhiệt tình, tích cực, sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình của Thành Đoàn và Lực lượng TNXP thành phố trong suốt 10 năm qua.  Những kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng đáng trân trọng, nó thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của Hội Cựu Thanh niên xung phong Thành phố trong việc phát huy nội lực, biến  tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn TNXP” thành hành động cụ thể trong hoạt động Hội, động viên, cổ vũ, kích lệ hội viên tích cực tham gia hoạt động xây dựng Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố ngày càng  phát triển vững mạnh, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và là Thành phố đáng sống.

IV/ Ý nghĩa thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh.

Với thành tựu đạt được trong mười năm qua của Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố, có thể rút ra những ý nghĩa thực tiễn trong quá trình thực hiện và vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn Thanh niên xung phong”, đó là:

  1/ Cần phải giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân, đó chính là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc cho quá trình phát triển và trưởng thành của Hội.

Bởi, suốt chặng đường đấu tranh anh dũng, kiên cường giành lấy độc lập tự do cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên mà luôn luôn quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao sự cống hiến của lực lượng TNXP các thời kỳ. Ngay từ lúc còn “phôi thai” chuẩn bị cho một tổ chức của Cựu TNXP Thành phố ra đời, Thành uỷ và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những chủ trương, quyết sách đúng đắn và kịp thời, tạo điều kiện cho sự hình thành tổ chức Hội Cựu TNXP Thành phố, nhằm đáp ứng  nguyện vọng và tình cảm của đông đảo cựu TNXP. Chỉ đạo và giải quyết thấu đáo những vấn đề quan trọng, vào những thời điểm đầy khó khăn, nhạy cảm và thử thách liên quan đến tổ chức, nhân sự, bộ máy của Hội và các sự kiện chính trị liên quan.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Thành phố đã  kịp thời giải quyết chế độ chính sách đối với những người có công tham gia trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt, kịp thời kiến nghị Đảng, Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để giải quyết một cách thỏa đáng cho các cựu thanh niên xung phong phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam Tổ quốc và tham gia giúp nước bạn Campu chia thoát khỏi chế độ diệt chủng của bọn Khmer đỏ. Kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến “cơm, áo, gạo, tiền” cho hội viên nghèo. Quan tâm, giải quyết chính sách thi đua khen thưởng như phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác cho lực lượng TNXP thành phố. Nhờ đó, đã khích lệ cổ vũ động viên tinh thần cựu TNXP tin tưởng, nhiệt tình, xóa bỏ mặc cảm, vượt qua những khó khăn trở ngại, tích cực hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, xây dựng Hội thành “Ngôi nhà chung của cựu TNXP”

Các sở, ngành thành phố, Thành Đoàn, Lực lượng TNXP Thành phố, các đơn vị bạn cùng  các “mạnh thường quân” đã nhiệt tình hỗ trợ về vất chất và động viên về tinh thần thể hiện tình cảm vô tư, trong sáng thiết thực và hiệu quả. Sự quan tâm lãnh đạo của các Quận uỷ, Huyện uỷ, của cấp uỷ Đảng cơ sở. Sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự giúp đỡ các đoàn thể hữu quan, nhất là Đoàn thành niên đã giúp cho hoạt động của Hội Cựu TNXP các cấp mang lại những kết quả rất đáng trân trọng, kịp thời động viên khơi dậy truyền thống người chiến sĩ TNXP năm xưa “dũng cảm, kiên trung” để  kích lệ hội viên cựu TNXP tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố.

  2/ Cần phát huy đúng đắn nhân tố con người, nhất là vai trò tích cực của cán bộ chủ chốt, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong phong trào và sự nghiệp phát triển của Hội. Là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của tổ chức Hội.

Nhờ nhận thức đúng con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành tổ chức Hội, nên ngay từ đầu việc đề cử, lựa chọn nhân sự ở các cấp Hội là những người thật sự có kinh nghiệm, có khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết gắn bó với phong trào; là những người tự nguyện, có tâm, có tầm và hết mình vì đồng đội. Đại hội hiệp thương bầu ra hạt nhân lãnh đạo là những cán bộ có năng lực, có sức khoẻ, nhiệt tình và tâm huyết với TNXP là yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển hội.

Các cấp hội cần  phải xây dựng kế hoạch hoạt động  sát thực tế, có lộ trình, có bước đi cụ thể, rõ ràng, phân công, phân nhiệm rõ ràng, các quyết sách phù hợp với khả năng hiện có. Thực hiện phương châm “Công khai, dân chủ, đồng thuận” và thể hiện nguyên tắc: làm việc có chương trình, kế hoạch. Nội dung hoạt động thể hiện tính nhân văn, tính dân chủ và tính đặc thù. Nhờ cách đặt vấn đề nghiêm túc nên  tổ chức Hội các cấp và hội viên có cái nhìn thấu đáo hơn, tích cực và cầu tiến.

Đối với Thành hội, phải vừa xin ý kiến chỉ đạo của trên, vừa tranh thủ sự đồng thuận của các sở ngành và sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhằm giảm thiểu khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội Cựu TNXP Thành phố đề ra. Ngoài ra,Thành Hội còn tranh thủ sự tham gia đóng góp ý kiến của những nhà quản lý xã hội, những người hoạt động phong trào có kinh nghiệm về hoạt động đoàn thể, có tâm huyết góp sức tham gia xây dựng, phát triển Hội.

Ban chấp hành các cấp hội phải thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội và các quy chế của Hội do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến hay, đúng và xác đáng, phòng ngừa những nhận thức lệch lạc, sai trái về đường lối quan điểm của Đảng và nhà nước, với mong muốn và kỳ vọng là mọi người cùng chung tay vì sự phát triển bền vững của đất nước. Duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ của Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực hội tổ chức giao ban định kỳ với các bộ phận trực thuộc, kịp thời  nắm bắt, tổng hợp những mặt làm được và chưa được; ghi nhận những đề xuất từ cơ sở để giải quyết rốt ráo, không để tồn đọng kéo dài.

Thành công của các cấp Hội trong một thập kỷ qua, phải kể đến vai trò cá nhân của một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam và những cán bộ lão thành cách mạng có tâm huyết, nhiệt tình với đồng đội, với tổ chức Thanh niên xung phong, những người đã đi tiên phong trong quá trình vận động thành lập, chỉ đạo và phát triển Hội.

   3/ Phải xây dựng, vun đắp và giữ gìn sự đoàn kết trong tổ chức Hội và phát huy truyền thống TNXP, thấm nhuần tư tưởng”Trường học lớn TNXP” nhằm tạo động lực, ý chí và tạo niềm tin, niềm tự hào của hội viên đối với các cấp Hội.

Đoàn kết, thống nhất giữa cựu TNXP các thời kỳ (TNXP tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, TNXP tham gia xây dựng CNXH ở miền Bắc và TNXP sau 30/4/1975 tham gia phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia, tham gia xây dựng đất nước) là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh xây dựng các cấp hội trong thời gian qua. Giữ vững nguyên tắc: “Tự nguyện, dân chủ, đồng thuận”. Xây dựng phong cách làm việc: “gần gũi, hòa đồng, thiết thực vì đồng đội”. Thực hiện tiêu chí: “TNXP – Đồng đội – Một thời và Mãi mãi” là nhân tố xây dựng Hội vững mạnh. Chỉ có tập hợp, đoàn kết các thế hệ cựu TNXP mới tạo thành sức mạnh. Có tinh thần tự lực cao mới mang lại hiệu quả bền vững. Tự tin vươn lên để khẳng định mình, một thời cống hiến tuổi xuân và là lực lượng xung kích trong mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Phát huy truyền thống, ôn lại lịch sử hào hùng của thanh niên xung phong thời đại Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao ý thức, xác định vai trò, trách nhiệm của cựu TNXP trước lịch sử, trước đồng đội. Có thể khẳng định rằng: bản lĩnh và tình cảm của cựu TNXP chưa bao giờ phai nhạt lý tưởng cộng sản, tư tưởng “trường học lớn Thanh niên xung phong “  của Bác Hồ vẫn luôn là kim chỉ nam để mỗi người xác định: Cái khó của mình là nằm trong cái khó chung, cái nghèo của mình trong cái nghèo chung, không ai ca thán, đòi hỏi, trách móc chế độ. Mỗi cựu thanh niên xung phong luôn lắng đọng sâu sắc những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp của một thời tuổi trẻ TNXP. Họ biết khơi dậy tình cảm, động viên nhau thường xuyên và kịp thời, nêu cao khí thế hào hùng của TNXP là nhu cầu, là tình cảm, là khí phách, là đời sống tinh thần của TNXP. Khi biết khơi dậy lòng tự hào và truyền thống cách mạng của TNXP thì cựu TNXP sẵn sàng tự nguyện tham gia tổ chức Hội và phát huy bản chất: “tự lực, năng động, sáng tạo, nhiệt tình” hoạt động của hội viên, là thước đo kết quả hoạt động của Hội. Nhờ khơi gợi, động viên kịp thời nên tổ chức Hội đã tập hợp, thu hút được đông đảo lực lượng cựu TNXP, những con người đã trưởng thành qua các giai đoạn lịch sử nhất định vào Hội. Số lượng hội viên cựu TNXP thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng tình cảm, lý tưởng sống là một lòng, một dạ trung thành với Đảng và chế độ. Một số đồng chí tuy tuổi cao, sức khoẻ có hạn nhưng đại bộ phận rất hăng hái, nhiệt tình, là lực lượng nòng cốt của phong trào, đây là điều đáng quý trong sự phát triển chung của Hội.

        4/ Cần thực hiện tốt “dân chủ”; giải quyết chế độ, chính sách “minh bạch, rõ ràng, công tâm và công bằng”, Hội cựu TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được sự tin tưởng và chỗ dựa tinh thần to lớn và thực sự trở thành “ngôi nhà chung của Cựu TNXP”.

Thực hiện tốt chế độ dân chủ, công khai là cơ sở để tạo được sự đồng thuận trong hoạt động của các cấp Hội và hội viên trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ phát huy dân chủ đã tập hợp được nhiều ý kiến, nhiều tiếng nói tích cực, tâm huyết, giúp tổ chức Hội biết lắng nghe, “gạn đục, khơi trong”, loại bỏ dần những tư tưởng bảo thủ, trì trệ, rập khuôn để xây dựng tư duy đổi mới, nắm bắt kịp xu hướng phát triển chung làm cho tổ chức Hội phát triển vững chắc. Thực tiễn cho thấy, khi mọi việc được dân chủ bàn bạc, tổ chức công khai thì tạo ra một luồng sinh khí mới, tin tưởng lẫn nhau, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của tổ chức Hội và hội viên, động viên, kích lệ tập thể, cá nhân hăng hái tích cực tham gia xây dựng Hội.

Trong việc thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ vật chất cho hội viên nghèo thể hiện sự “minh bạch, rõ ràng, công tâm, công bằng”  thì các cấp Hội và hội viên tỏ rõ sự hài lòng, tin tưởng vào tổ chức của mình, hết lòng vì tổ chức Hội. Đời sống kinh tế gia đình một số hội viên quá khó khăn, được tổ chức Hội kịp thời động viên, hỗ trợ nhà cửa, trợ cấp xã hội, tạo việc làm cho con em hội viên nên phần nào đỡ bị hụt hẫng tinh thần và cuộc sống. Nhà tình nghĩa được xây dựng  chưa nhiều nhưng thể hiện tấm lòng vì đồng đội và xây nhà cho đúng đối tượng. Giao tiền xây nhà cho những người thật sự chưa có chỗ ở, nhà còn tạm bợ, lụp xụp, được xác nhận, nghiệm thu của chính quyền, đoàn thể địa phương sở tại; Cấp sổ, cấp thẻ bảo hiểm, hỗ trợ vật dụng cho gia đình hội viên nghèo, thăm nom người bệnh tật già yếu tuy giá trị vật chất còn khiêm tốn nhưng thể hiện tấm lòng của Hội: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, được giao đúng địa chỉ và giao tận tay; Ý kiến nguyện vọng của hội viên đề đạt chính đáng được giải quyết kịp thời, đúng chỗ, đúng nơi và được giải thích rõ ràng, tạo sự đồng thuận trong nội bộ hội viên.

V/ Kiến nghị, đề xuất:

            Một là, Các cơ quan, ban, ngành chuyên môn cần nghiên cứu, bổ sung trong lịch sử hiện đại Việt Nam về Lực lượng TNXP Việt Nam cho đúng với những gì mà Lực lượng TNXP Việt Nam đã cống hiến trong sự nghiệp đấu tranhgiải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, trong nội dung lịch sử các địa phương có phong trào TNXP nên cần có một chương nói về TNXP của địa phương mình, nhằm ghi nhận những đóng góp của tuổi trẻ TNXP trong sự nghiệp xây dựng, phát triển ở địa phương mình.

Ba là, cần có quan điểm và nhận thức đúng đắn về Lực lượng TNXP. Lực lượng TNXP không chỉ cần thiết trong thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn cần thiết cho cả trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực tiễn, hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đã chứng minh: Lực lượng TNXP là một tổ chức quần chúng bán quân sự do tổ chức Đoàn thanh niên lập ra để tập hợp thanh niên  tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Chính phủ và đoàn thể giao. Vậy nên xem TNXP Việt Nam là vấn đề mang tính chiến lược của quốc gia trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho sự nghiệpxây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ “ Xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Sáu là, nên nghiên cứu những dự án thành lập các Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế và  thành lập các khu dân cư TNXP ổn định ở các đô thị biên giới, đô thị cửa khẩu, đô thị  hải đảo và các vùng biển chiến lược.

Bốn là, trong công tác tuyên truyền cần làm rõ vai trò, vị trí của TNXP trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc một cách tương xứng với những gì mà các thế hệ TNXP đã cống hiến. Để mọi người có nhận thức đúng về Lực lượng TNXP Việt Nam, và để các cựu TNXP không phải tự ty, mặc cảm với những gì họ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc. Họ tự hào về tổ chức của mình, họ lại càng tích cực tham gia, gắn bó với phong trào TNXP, tổ chức Hội cựu TNXP.

         Đoàn Thị Thanh Xuân

[1]  Lịch sử Thanh niên xung phong Việt Nam , Nhà XBTN, 2002, Trang 647.

 

[2] Lịch sử Thanh niên xung phong Việt Nam , Nhà XBTN, 2002, Trang 647.

[3]  Nguyễn Minh Triết – Lời giới thiệu sách “TNXPGPMN phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang” Ban Liên lạc TNXPGPMN, Xuất bản tháng 4- 2001, tr.7.

[4]  Dòng chữ thêu trên lá cở của  Ủy Ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương  Mặt trận DTGPMNVN Huỳnh Tấn Phát trao tặng  Tổng độiTNXPGPMN vào tháng 6 năm 1969 nhân dịp Đại hội Liên Hoan chiến sĩ thi đua dũng sĩ TNXP lần thứ hai.

[5] Trần Văn –“Không tiền tuyến, không hậu phương- đâu Đảng cần,đó là tiền tuyến”,trong sách “TNXPGPMN …,Ban Liên Lạc TNXPGPMN  tháng 4-2001, tr. 41.

[6] Trần Văn –  tài liệu đã dẫn, tr. 47.

[7] Lê Quang Thành– “Hướng rèn luyện của thanh niên xung phong giải phóng miền Nam”, tài liệu đã dẫn, tr. 26.

[8] Kỷ yếu Hội Cựu TNXP TP.Hồ Chí Minh, nxbTrẻ, năm 2015.