Ngày 15/7/2023, Huyện hội Bình Chánh đã phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức về nguồn ôn lại truyền thống 73 năm Ngày truyền thống TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2023) và 76 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023). Đoàn có 62 hội viên cựu TNXP và đoàn viên, thanh niên tham gia chuyến về nguồn đến thăm và tìm hiểu địa chỉ đỏ “Khu di tích lịch sử địa đạo “Tam giác Sắt”” huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương[1]

[1]    Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 15 km về phía nam. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, địa đạo ba xã Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996, có tổng diện tích 230.000m2.​

​Khu địa đạo tiếp giáp với các nơi: phía Đông giáp các thị trấn Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, phía Tây giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp xã Tân An (Thủ Dầu Một), phía Bắc giáp xã An Lập, Long Nguyên (Bến Cát), và đây cũng chính là cái nôi của vùng “Tam giác sắt”.

Tên “Tam giác sắt” đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trước đây. Nhưng cũng không ít người chưa có dịp dù chỉ một lần đến nơi này. Ngày nay, nhiều người hiểu “Tam giác sắt” rất khác nhau. Có người cho rằng “Tam giác sắt” là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có người cho rằng nó bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát – Dầu Tiếng – Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có người cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) – Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Tất cả đều đúng, vì địa danh “Tam giác sắt” cùng phát triển theo bước phát triển của cuộc chiến tranh. Duy chỉ có một điều ít ai nghĩ tới là nguồn gốc ban đầu của “Tam giác sắt” lại chính là địa bàn của 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An (3 xã Tây Nam của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ Miền Đông, xứ Ủy Nam Bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định,… nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta.

Dưới đây là một số hình ảnh về nguồn:

Tin, bài: Huỳnh Văn Bay-Chủ tịch Huyện hội Bình Chánh.