Ký ức Tháng ba, của Ngọc Mai, bài đạt giải C cuộc vận động thi viết “Ký ức về TNXP”

Tác giả thứ 3 từ phải qua.

Tháng ba năm 1968, hoa gạo nở đỏ rực một khoảng trời bình yên nơi ngoại thành Hà Nội. Hàng ngày, tiếng loa phát thanh truyền đi những thông tin nóng bỏng về chiến tranh. Không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt trên toàn tuyến chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Cả Hà Nội sục sôi những đoàn quân lên đường vào Nam chiến đấu. Nhận được mệnh lệnh, đơn vị chúng tôi tức tốc lên đường hành quân với nhiệm vụ mở đường, chuyển lương thực và vận chuyển thương binh về tuyến sau.

Khi đó, quốc lộ 1A qua địa bàn Hà Tĩnh bị địch đánh phá và chia cắt hoàn toàn, mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam bắt buộc phải đi qua tuyến đường 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây là yết hầu của tuyến giao thông vận tải Bắc –Nam. Vì vậy, Mỹ tập trung đánh phá nhằm cắt đứt giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đơn vị chúng tôi đã có mặt trên cung đường mang tên “tọa độ chết” này trong thời điểm ác liệt nhất. Hàng ngày, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, bom dội xuống như mưa, các cung đường liên tục bị cày xới, nhiều khi chưa kịp ngả lưng thì đã phải bật dậy, vá đường cho xe qua, có nhiều ngày, nhiều đơn vị phải ăn lương khô, chia nhau từng giọt nước. Hôm sau lại tiếp tục phá đá mở đường, giữ huyết mạch để xe ta tiến vào miền Nam chiến đấu.

Để đảm bảo sức cho anh em, tranh thủ những giờ máy bay Mỹ ngừng ném bom theo qui luật, mấy chị em trong tiểu đội anh nuôi lại tranh thủ vô rừng hái rau tàu bay về nấu canh cải thiện cho anh em. Còn nhớ, lần đó chị Lan – tiểu đội trưởng thấy đám rau rừng tốt quá, vui mừng vì tối nay anh em có thêm chút canh, kêu chị Xuân chạy vô nhà dân mượn rổ, người lớn đi vắng, chỉ có một cháu bé ở nhà, chị Xuân hỏi mượn một cái “sảo” đựng bèo để đựng rau mang về. Chiều đó cả lán đang ăn cơm, chợt nghe tiếng bà chủ nhà cất giọng chửi mắng ai đó. “ Tổ cha mi…..tổ cha mi….”. Cả lán ngơ ngác, chị Xuân bỗng bật khóc, nói chắc mệ chửi tụi mình mượn “rổ sảo” hay chăng? Rồi bỗng như tủi thân, cả mấy chị em nữ òa lên khóc nức nở, làm anh Hân – Đại đội trưởng quát lên “ Mấy đứa này làm chi khóc um sùm thế. Để tao chạy qua hỏi mệ xem cụ thể thế nào”. Hóa ra chiều đó đi làm về, mệ chuẩn bị nấu canh, phát hiện ra rổ rau của mệ có con cóc nhảy vào rổ “mệ chửi con cóc chứ đâu chửi mắng mấy o đâu”. Cả đơn vị được trận cười nghiêng ngả.

Cuối tháng 3 năm 1969, đơn vị chúng tôi lại chuyển vào sâu hơn làm đường thông xe ra tiền tuyến, càng tiến vào sâu thì cuộc sống càng khổ cực, thiếu thốn đủ mọi bề, xa dân, sống trong rừng sâu nước độc. Thiếu cơm, thiếu muối, sốt rét hoành hành, B52 Mỹ bắn phá ngày đêm. Đường mới mở đầy rẫy những bom mìn chồng chất. Việc thức thâu đêm mở đường, cho xe qua trong những đêm gió rét lạnh thấu xương. Rồi những lần vận chuyển thương binh và cả các chiến sỹ hy sinh trên đường hành quân về phía sau, nhiều khi tưởng như không còn sức lực. Nhưng tất cả những vất vả đó cũng không đau đớn bằng khi chứng kiến anh em đồng đội của mình ngã xuống. Trên cung đường đó, chúng tôi đã tự tay mình khâm liệm cho biết bao chiến sỹ đã hy sinh. Có trường hợp, các anh đang hành quân, nhưng cơn sốt rét ác tính đã đẩy anh lại phía sau đơn vị. Mắc chiếc võng giữa cánh rừng đầy những hố bom, ba lô còn treo đầu võng, anh nằm lại đó nhẹ nhàng như đang ngủ. Khi chúng tôi đến, một phần cơ thể của anh đã bị mối xông. Có những anh nằm lại sau đợt bom ác liệt, đơn vị không thể dừng để lo chôn cất, đành để lại các anh trên võng, với một chiếc lọ Penicilin có mảnh giấy nhỏ bên trong ghi danh tính và ký hiệu đơn vị. Nước mắt con gái cũng tuôn dòng sau mỗi đợt bom dội xuống. Từ những hầm cá nhân băng lên cáng thương, chứng kiến có cậu bộ đội còn rất trẻ, bị bom bi phá nát cả vùng bụng, lột chiếc mũ sắt đội đầu, chúng tôi gạt toàn bộ những gì của cơ thể em vào trong chiếc mũ, rồi garo cả chiếc mũ sắt để cáng em đi. Em chỉ kịp thều thào “ Các chị nhớ báo cho gia đình em biết, địa chị nhà em trong cuốn sổ dưới đáy ba lô”. Em ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ .

Tháng 3 năm 1970, khi chúng tôi đang san lấp hố bom, bất ngờ máy bay Mỹ dội bom. Đơn vị chúng tôi mất đi người anh cả – Đại đội trưởng Hân. Tuy là một người Đại đội trưởng khó tính nhưng anh luôn động viên chúng tôi, quan tâm và thương chúng tôi vô cùng. Tôi là đồng hương cùng xã của anh, nên anh coi tôi như em gái út của anh. Nhiều khi đi họp trên sư đoàn về, anh lại gửi cho tôi khi thì phong lương khô, khi thì chùm dâu da rừng chín mọng. Đôi khi cả tiểu đội đi làm nhiệm vụ chưa kịp về sau cơn mưa rừng ập đến, anh không ngại ngùng mà chạy ra sào phơi đồ ôm cả mớ “phụ tùng phụ nữ” vào cho chị em. Đêm đó, chưa kịp “chia tay” anh lần cuối, chúng tôi được lệnh tăng cường san lấp hố bom để cho đoàn xe đang vận chuyển vũ khí và bộ đội phía sau chi viện cho miền Nam. Sau 3 phát súng phát lệnh, và tiễn biệt anh Hân, chúng tôi lại ra đường làm nhiệm vụ.

Đoạn đường cuối cùng cũng san lấp xong, đoàn xe phía sau cũng vừa đến, từng chiếc xe đi qua, trong bụi đường là những tiếng hỏi thăm đồng hương và trêu đùa của các chiến sỹ. “ Có ai đồng hương Thanh Hóa, Nam Định… không?”. “Các cô ơi cho tụi anh gửi lại 1.000 cái hôn nhé”. Đang lúi húi búi tại mớ tóc, tôi chợt nghe tiếng hỏi “ Có ai đồng hương Minh Khai – Từ Liêm không?”. Tôi quay ngoắt người về phía tiếng nói ấy. Rồi như vỡ òa trong tiếng reo hỏi của cậu con trai:

– Dì Nguyệt phải không? Tôi sững người khi thấy đứa cháu của mình đang đứng trước mặt. Thằng Hồng con của chị họ tôi trong xã. Tôi hỏi nó:

– Sao cháu có mặt ở đây. Dì nghe tin cháu bị Ban chỉ huy quân sự huyện đuổi về vì chưa đủ tuổi và không đủ cân mà.

Nó cười rất tươi giới thiệu tôi với người lính đứng bên. Đây là dì của em. Rồi quay sang tôi nó bảo. Đợt đó cháu bị đuổi về vì thiếu tuổi và thiếu cân. Mấy anh nói cháu học cho xong lớp 10 rồi đi, vì chiến tranh chưa biết thế nào còn dài lắm. Nhưng thấy bạn bè đi rần rần, mình ngồi học không yên dì ạ. Thế là cháu sửa lại tháng trong giấy khai sinh, đi khám sức khỏe cháu ăn gian một chút… hi hi… thế là cháu đủ tiêu chuẩn đi dì ạ. Hỏi lại nó thế học hành thì sao nó cười toe toét bảo“ Nếu trở về còn lành lặn, cháu sẽ đi học nốt dì ơi”.

– À mà cháu cũng gặp chú Hùng, đơn vị của chú hành quân vào KonTum rồi dì ạ. Chú có nói dì đang ở trong này, nên khi dừng xe đoạn đường nào cháu cũng hỏi dì Nguyệt – Minh Khai, Từ Liêm. May quá lại gặp được dì ở đây.

Chưa kịp hỏi han nhiều thì xe của nó phải đi, chỉ kịp nhờ người lính đi cùng bảo ban nó vì nó còn trẻ con và ít tuổi. Ấy thế mà, đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp nó, bởi lẽ, chỉ ít phút sau khi đoàn xe di chuyển, máy bay Mỹ đã vòng quay trở lại dội bom xuống con đường mà chúng tôi vừa vá lại xong. Trái tim tôi linh cảm điều không lành, dứt đợt bom chúng tôi chạy băng về phía trước, khói bom cay xè, mặt đường nham nhở những hố nông, sâu. Trước mắt tôi là chiếc xe của nó vừa đi qua đang bốc cháy. Hố bom phía trước sâu hoắm, cháu tôi văng khỏi ca bin xe. Nó nằm vắt cạnh miệng hố bom vừa nổ. Cả khuôn mặt nó lấm lem đất cát và máu. Phần bụng của nó loang máu, ôm nó vào lòng và gọi:

– Hồng ơi, dì Nguyệt đây, cố lên cháu nhé, mọi người sẽ đưa cháu về tuyến sau. Nó cố mở mắt, nói trong hơi thở đứt quãng:

– Dì ơi, nhớ chỗ cháu nằm, sau này dì nhớ đưa cháu hoặc chỉ chỗ cho bố mẹ cháu, đón cháu về quê dì nhé. Rồi nó trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi. Nước mắt tôi cứ rơi lã chã…. Hồng ơi, dì về biết nói tin này với bố mẹ cháu thế nào đây?

Cũng trong trận bom ấy đại đội của tôi cũng mất đi mấy đồng đội, trong đó có chị Lan, tiểu đội trưởng anh nuôi. Đưa chị Lan và cháu Hồng cùng các đồng đội khác nằm lại ven cánh rừng nơi có hoa sim đang nở tím ngắt, chúng tôi lại lao vào nhiệm vụ của mình.

Tháng ba năm 1971 sau khi bị vùi dưới hầm trong trận bom ác liệt, được đồng đội đào bới và lôi ra khỏi hầm, đôi mắt tôi bị sức ép của bom làm ảnh hưởng. Tôi được chuyển về phía sau. Năm 1972 tôi về phục viên, hành trang đem về quê nhà có cả chiếc ba lô và tư trang của Hồng mà đơn vị cháu đưa, giao lại cho anh chị tôi. Và tính ra khi cháu hy sinh, nó mới tròn 18 tuổi được mấy ngày. Chị em tôi nước mắt cứ lưng tròng khi nhắc đến nó.

Năm tháng qua đi, đồng đội mỗi người một cuộc sống, người còn người mất, nhưng những kỷ niệm và ký ức của năm tháng TNXP chống Mỹ cứu nước ngày đó còn mãi trong trái tim chúng tôi. Cuộc sống còn biết bao khó khăn, di chứng để lại, như chị Nga thì sống một mình sau khi phục viên vì quá lứa nhỡ thì. Phi “còi” sau khi lấy vợ sinh được 3 cháu thì thằng con lớn bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Đồng chí “chính trị viên” thì coi bệnh viện như nơi định cư của mình vì vết thương luôn hành hạ…. Mỗi năm họp mặt đồng đội TNXP chúng tôi lại cùng nhau đi lên nghĩa trang liệt sỹ Nhổn của Thành phố Hà Nội để thắp nhang cho đồng đội và các anh em hy sinh đã đưa hài cốt về đây. Kể cho nhau nghe chuyện buồn vui của ký ức và hiện tại. Năm tháng cứ trôi đi – Nhưng ký ức về tháng ba luôn mãi trong tôi

       Ngọc Mai (Ghi chép lại theo lời kể của một cựu TNXP chống Mỹ Bà  Vũ Thị Nguyệt – Đơn vị 814 – Tổng đội N43)