THAM QUAN TRỤ SỞ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT

z5584961647118_716da6747d5cd3b91dbde2a7d651692e

Sau khi được sở Du lịch Thành phố hướng dẫn và đồng ý, Hội Cựu TNXP Thành phố đã lập danh sách hội viên tham gia tham quan trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29/6/2024, Thành Hội đã tổ chức Đoàn thăm quan có gần 30 cán bộ, hội viên cựu TNXP do đồng chí Võ Thanh Phong Chủ tịch Hội và đồng chí Trần Phương Tín dẫn đầu ( ảnh dưới). Chuyến thăm quan kiến trúc tòa nhà UBND.TP Hồ Chí Minh là một trong những nội dung hoạt động của Hội Cựu TNXP Thành phố. Đoàn tham quan đã được hướng dẫn viên giới thiệu khái quát quá trình xây dựng tòa nhà và hướng đã đoàn đi thăm kiến trúc tòa nhà. Đây là một trong những tòa nhà kiến trúc kiểu do kỹ sư người Pháp xây dựng có từ trên 120 năm ở địa bàn Thành phố.

[1]   Tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là công trình quy mô lớn, tọa lạc ở vị trí giáp với ba mặt tiền đường: Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Pasteur, là điểm nhấn kiến trúc cho khu trung tâm Thành phố. Trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, tòa nhà đã thay đổi tên gọi qua từng thời kỳ, giai đoạn, là chứng nhân cho những chuyển biến lịch sử, chính trị, hành chính, địa lý của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tòa nhà do kiến trúc sư Paul Gardès thiết kế, khởi công xây dựng năm 1898, trên khu đất cao, phía cuối đường Charner ([1]) (nay là đường Nguyễn Huệ). Tòa nhà hoàn tất và khánh thành năm 1909. Tòa nhà là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố Sài Gòn, mang tên Hôtel de ville (tạm dịch là Tòa Thị chính), người dân thành phố quen gọi với tên Dinh Đốc lý hay Dinh Xã Tây vì người đứng đầu Hội đồng thành phố là vị Đốc lý người Pháp.  Năm 1959, chính quyền Sài Gòn ban hành Sắc lệnh về việc tổ chức quản trị Đô thành Sài Gòn, tòa nhà Dinh Xã Tây được đổi tên Tòa Đô Chánh, đứng đầu Đô thành Sài Gòn là Đô trưởng.

    Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tòa nhà được Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định tiếp quản, sử dụng làm trụ sở làm việc. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà vẫn được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.

   Hiện nay, tòa nhà là trụ sở làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây là địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc họp quan trọng và hội nghị đặc biệt của lãnh đạo thành phố, là nơi tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm viếng và làm việc tại Việt Nam.

BT sưu tầm.