CỨU BÈ ! CỨU BÈ ! ANH EM ƠI ! của Phùng Gia Anh, tác phẩm đạt giải B cuộc vận động thi viết “Ký ức về TNXP”
(Tác giả trong ảnh, thứ 5 từ trái qua)
Ngày ấy đơn vị tôi đóng tại công trường Vũ Ẻn – gần ga Vũ Ẻn (Vã Yển), huyện Thanh Ba, Phú Thọ cũng gần ngay bến Sông Hồng từ Tây Bắc chảy xuống.
Dọc triền sông, cách mép nước độ 50 mét có một con đường nhỏ. Dọc trên đường có một lán tạm của anh em chúng tôi làm để có chỗ đi ra đi vào, cơm nước, tránh nắng tránh mưa. Người dân nơi đây hãnh diện “Sông Hồng đỏ nặng phù sa, bờ thêu khoai, thêu lúa, thêu nhà, …” , nhưng ở chỗ chúng tôi còn thêu thêm chuồng lợn, thêm chuối… ! Và cũng chính ở nơi đây đã xảy ra câu chuyện “cứu bè”, một câu chuyện khó quên của chúng tôi.
Công trường chè, nhà máy điện, nhà ga đều cần cát để xây dựng. Chúng tôi được phân công đi lấy cát ở con soi giữa lòng Sông Thao. Lúc bấy giờ phương tiện thô sơ lắm, đâu có tàu hút cát như bây giờ! Công trường bắc cho một cái cầu phao, gồm hàng ngàn cây nứa, bó nứa, vắt từ bờ sông ra giữa con soi. Anh em, người xúc, người gánh, người đẩy xe 3 bánh đi lại như đàn kiến từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều.
Trưa hôm ấy, chúng tôi đang ăn cơm trên lán thì nước lũ tràn về. Đang nhìn cái cảnh nước trôi, bèo trôi, củi trôi thì một tiếng hét thét lên lanh lãnh “Cầu sắp gãy, bè sắp trôi rồi các đồng chí ơi!”. Thế là đặt ngay bát cơm xuống, quần đùi, áo trấn thủ vội mặc vào, anh em chúng tôi chạy bay ra sông. Bảy tám anh kịp bơi ra đến con soi, nhảy lên khúc cầu đang nổi lềnh bềnh. Nước sông giờ đã đục ngầu, đầy bọt, đang hùng hổ lắc gãy các khúc dây buộc bè.
Một tiếng “rắc rắc”, cầu gãy làm hai, khúc ở bờ sông vì được buộc chặt, có cọc nên đã ép sát vào bờ; còn đoạn cầu trên con soi thì bắt đầu lờ đờ trôi. Nhờ mấy sợi dây loằng ngoằng vướng lại, bọn chúng tôi từ trên bờ với túm lấy, buộc vào những cây chuối vốn thân mềm, rễ nông. Thế là dây song kéo gãy hàng loạt cây chuối ven bờ, rồi vướng luôn mấy cái chuồng lợn. Chúng tôi cố dùng hết sức bám được vài chục mét rồi cũng đành bỏ cuộc, thừ người, lo cho mấy anh còn lại trên bè!
Đến rạng sáng, anh em trên bè về đến công trường kể lại “ Bè trôi. Lúc đầu còn lờ đờ, sau tăng tốc phăng phăng, anh em bất lực, chỉ còn cách í ới, la hét, cầu cứu. Trời dần tối, dòng sông như rộng ra, hai bên bờ dần xa, làng xóm đã lên đèn. Nhưng khi trôi về đến gần Phú Thọ thì bà con đang chờ ứng cứu, không biết thông tin bằng cách nào mà bà con biết trước. Họ chèo thuyền ra, mang mỏ neo, dây thừng, dây chảo buộc chặt vào bè. Rồi bình tĩnh, vững chãi, đầy kinh nghiệm kéo đẩy, ép dần bè vào bờ. Anh em đang vừa rét lạnh, vừa bụng đói, được bà con đưa lên bờ cho mặc thêm áo ấm và cho ăn cơm. Thật là ấm tình “quân dân, cá nước“ !
Anh Lê Văn Ấp, một trong những anh em đã nhảy lên bè, khi về đến lán cười, nói “Hú vía! suýt nữa thì trôi ra đến biển”. Vâng, quả thật nếu không có bà con ứng cứu kịp thời thì dòng nước sẽ cuốn phăng anh em về đến tận Hà Nội là cái chắc! Sau này, anh Nhật B phó đã sáng tác một bài tấu để anh em văn nghệ; còn chúng tôi thì thấm thía hơn bao giờ hết về sức mạnh thiên nhiên là thế nào! và nhất là về lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong “. Và đây cũng là dịp để báo cáo với Bác rằng: Vâng lời Bác, chúng con đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng hình ảnh ngày ấy, những kỷ niệm tự hào này luôn ở trong tim chúng con, nuôi dưỡng cuộc đời của chúng con, những người TNXP hai thế kỷ.
Phùng Gia Anh