Tác giả: Mộc

“Em ơi! Nhận quà nè!” và phần quà thật to chị đã cất công từ quận Bình Thạnh mang đến tặng mình, hôm ấy là 28 Tết! Năm ấy ngôi nhà mới của gia đình mình có thêm “Lộc” đặt trên bàn thờ. “Cùng đi TNXP năm 1976, cùng chung đơn vị, chị là A trưởng là người lớn tuổi nhất, năng nổ nhất và có hoàn cảnh “đặc biệt“ nhất. Trước, chị đã lập gia đình có một đứa con trai, vì lý do nào đó chị gia nhập TNXP, chồng con “ gởi’’ lại phố phường! Chị công tác khỏi chê, chị có kiến thức về y học nên được đi học khóa y tá, sau về làm chuyên môn cho đơn vị. Chị sở hữu giọng cười không lẫn vào đâu, nó rộn ràng nó như có gì đó khiến người nghe phải nhớ! Nhớ mãi đến tận giờ (chí ít là với mình). Cuộc sống TNXP mà, cứ chuyển hết nơi này đến nơi khác, mình và chị bặt tin nhau thật lâu. Mình chuyển ngành về xí nghiệp, hôm nọ có chị cấp dưỡng hỏi: “Gần nhà chị có một em nó cũng là dân TNXP, nó tên… nói đại biết đâu tụi em quen nhau.”Thế là vội vàng chạy ra, hai chị em ôm nhau nhảy cà tưng mà khóc!. Chị kể: “Lúc đó gia đình chị khổ nhất xóm, đi TNXP là bớt gánh nặng cơm gạo cho má và ba đứa em, ấy vậy mà có người tung tin chị theo mấy ông cách mạng, bỏ chồng con… Lúc ở đơn vị có một chuyện đã làm thay đổi cuộc sống của chị. Có một người ở trại cải tạo mất (nơi đóng quân cách trại đó gần 5 cây số) khi làm thủ tục chôn cất có mời các đơn vị có thẩm quyền đến chứng kiến và xác nhận…và chị cũng được đi cùng với thủ trưởng Liên đội, trời xui đất khiến thế nào mà hôm đó chị cứ nhớ gần đó có một cây cổ thụ cao và có một chảng ba chỉa xuống ngay nơi chôn người mất…đây là điều đã giúp chị sau này. Thời gian qua nhanh, chị chuyển ngành về bệnh viện tiếp tục chuyên môn, lúc đó bên chồng đã không còn ở Việt Nam, chị cứ ôm nỗi buồn nhớ con trong lòng và cái oan ức vô tim, chứ phân trần ai hiểu thôi thì cứ im lặng mà sống cho qua ngày, trả hiếu cho mẹ, trọn tình với mấy đứa em và công việc giúp người là niềm vui của chị. Hôm nọ, có một người gặp chị hỏi rằng: ”Có phải ngày trước chị là một trong những vị chứng kiến việc chôn cất một người…” Thì ra cả gia đình người xấu số ấy đều ở nước ngoài chỉ còn ông ấy ở lại và vì là sĩ quan nên đi học tập cải tạo theo đúng chính sách của Nhà nước, chẳng may cơn bạo bệnh đã đem ông ấy ra đi mãi mãi. Giờ đây sau mấy chục năm, thân nhân muốn về để liên lạc và cải táng ông ấy. Cuộc tìm kiếm thật gian nan, cuối cùng gặp lại chị nhờ đến Tổng hành dinh của Lực Lượng TNXP. Chị cùng gia đình Ông ấy làm thủ tục từ Lực Lượng đến địa phương nơi chôn cất Ông và cuộc đoàn tụ đau buồn nhưng trọn vẹn. Ông an vị tại ngôi Chùa để nghe kinh kệ, gia đình Ông cũng nhẹ lòng. Chị kể, lúc đến nơi chị thấy cây cổ thụ vẫn còn, cho nên định hướng được ngay(tạ ơn cái cây!). Qua việc đó, chị được nhận làm con nuôi, cuộc sống nó chuyển hướng ngay tắp tự. Và điều chị không ngờ là cái oan tình của chị được hóa giải sau khi người vu oan lúc sắp về với Ông Bà đã viết một bức thư tạ tội cùng chị, ta nói hạnh phúc vô cùng. Lúc liên lạc được nhau, chị nói cố gắng tìm lại cái tiểu đội của mình nha em, lâu lâu họp mặt cho đỡ nhớ một thời TNXP, rồi hai chị em cứ sống về một thời “ bụi đỏ”. Chị là người đầu tiên dẫn mình đi Karaoke và bài hát “Sáu mươi năm cuộc đời” là bài ruột của chị, khiến mình thuộc luôn. Năm ấy mình được má chồng cho ra riêng, nhà nhỏ xinh xinh nhưng không gì quý hơn độc lập tự do hen. Gần Tết chị tặng giỏ quà và nói: “Năm nay có coi như kỷ niệm, mai mốt chị đi rồi Nhớ nha!” Thế rồi chị báo sẽ đi định cư, sum họp cùng chồng con, chị không cho biết ngày giờ, khỏi tiễn chi cho quyến luyến. Mấy năm đầu chị còn gọi cho vài người, sau thì bặt tin, ra nhà thì các em nói chị vẫn khỏe… Hơn mười năm nay hễ qua Giáng sinh, gió se lạnh gần Tết là một nỗi Nhớ cứ day dứt trong lòng. Sao vậy chị? Không lẽ năm ấy là điềm chẳng lành nên khiến chị nói vậy? Ừ! Thì thôi, chị muốn em Nhớ Chị mãi phải không? Thì em Mãi Nhớ Chị nè !