Bài giảng đầu tiên: Thấm thoát đã 36 năm, ngày tôi được đứng trên bục giảng để làm Thầy. Bây giờ nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động và ngạc nhiên không hiểu sao mình làm được điều kỳ diệu ấy. Năm 22 tuổi, tôi rời quân ngũ vào học đại học, ngành đào tạo giáo viên chính trị cho các trường trung học và đại học chuyên nghiệp các tỉnh phía Nam. Năm 26 tuổi, tốt nghiệp ra trường được phân công về làm giáo viên dạy môn Kinh tế – chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc 8, sau này đổi tên là trường Nguyễn Ái Quốc II. Kỷ niệm nhớ nhất và mãi không bao giờ quên đó là lần đầu tiên trong đời được Trưởng khoa phân công và giao cho chuẩn bị giáo án bài giảng đầu tiên cho lớp bồi dưỡng lý luận Mác- Lê Nin, vì lớp này chỉ học thời gian 8 tháng. Đối tượng là những cán bộ lớn tuổi, khoảng 50 đến 55 tuổi, hiện quản lý các ngành ở cấp huyện. Đây là một thử thách lớn đối với tôi, nó chẳng khác nào như chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên khi còn trong quân ngũ. Tôi đã miệt mài chuẩn bị giáo án, tìm đọc tài liệu, thu thập tư liệu, số liệu ( mà thời điểm lúc bấy giờ sưu tầm số liệu mới, thông tin về chủ nghĩa tư bản, nhất là tìm tài liệu để chứng minh quá trình tích lũy Tư Bản, tích tụ tập trung và bần cùng hóa giai cấp vô sản là cực kỳ khó khăn). Tôi đã phải đi khắp nơi từ thư viện nhà trường đến thư viện trường đại học kinh tế, thư viện Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh để tìm đọc, thu thập tài liệu, mà thời buổi lúc bấy giờ đi đến được những nơi này quả là một vấn đề, vì xe cộ không thuận lợi như bây giờ. Sau 2 tháng miệt mài chuẩn bị giáo án, trồng cây sắp đến ngày hái quả, tôi miệt mài xem đi xem lại kiến thức mình đã chuẩn bị, tranh thủ giảng một mình trong phòng, xem lại toàn bộ công tác chuẩn bị, nhưng vẫn run và hồi hộp. Ngày phải báo cáo công tác chuẩn bị nội dung và giáo án đã đến, tôi tự nhủ phải thành công ngay từ phút đầu tiên. Thế rồi, điều gì đến phải đến, sau khi Trưởng khoa nêu mục đích, yêu cầu và mời tôi lên trình bày công tác chuẩn bị giáo án và giảng thử để giáo viên trong khoa góp ý. Nhờ công tác chuẩn bị tốt cả về tinh thần, nội dung, phương pháp nên lần giảng thử được anh em trong khoa góp ý và cho rằng công tác chuẩn bị tốt, cần chỉnh sửa một số chỗ và trình bày cần rõ ràng, khúc triết, mạch lạc hơn. Rút kinh nghiệm từ những góp ý của anh em trong khoa, tôi tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nội dung cho giáo án và thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đối tượng theo kinh nghiệm của các đồng chí đi trước. Buổi lên lớp đầu tiên bắt đầu. Sau khi Trưởng khoa giới thiệu nội dung học của lớp và trân trọng giới thiệu, giáo viên trẻ Ngô Long Xuân sẽ báo cáo với lớp bài “Tích lũy và tập trung Tư bản”, cả lớp đồng thanh ồ lên một tiếng. Tôi hít thở sâu và bắt đầu vào bài. Nhìn quanh lớp một lượt, tôi thấy hàng chục cặp kính trắng gương lên theo dõi, xem tôi đang làm gì. Tôi chậm rãi giới thiệu họ, tên và nội dung trình bày với lớp. Sau đó, tôi bắt đầu thuyết trình. Tôi không còn biết trước mặt tôi là những cán bộ từng trải, có địa vị, có vị trí lãnh đạo ở các ngành của huyện ở phía Nam nữa, kiến thức được tích lũy trong đầu tôi được dịp cứ tuôn chảy, làm cho người học với vẻ mặt chăm chú, thích thú, hào hứng. 45 phút trôi qua, tiếng chuông báo hiệu tiết học đầu tiên hết, tôi cho cả lớp nghỉ giải lao và xin góp ý  cho tiết giảng đầu tiên. Sau khi vào phòng đợi của giảng viên, tôi hồi hộp chờ những lời góp ý phê bình của học viên. Nhưng rồi, cánh cửa phòng mở, hai, ba  người với cái đầu điểm bạc bước vào, vẻ mặt tươi rói, giơ tay nắm chặt tay tôi và chúc mừng một cách trân trọng “Chúc mừng giờ giảng đầu tiên của thầy giáo trẻ, cứ thế phát huy”. Tôi thật sự xúc động, không nói lên lời. Thế rồi những tiết giảng sau đó, thấp thoáng ngoài hành lang là Thầy Hiệu trưởng, Thầy hiệu phó, các chủ nhiệm khoa đến nghe tôi giảng từ ngoài hành lang hội trường. Buổi giảng đầu tiên rồi cũng xong, tôi mời học viên nghỉ, và thở phào nhẹ nhõm. Từ bục giảng bước xuống, đã thấy mấy thầy đồng nghiệp và cả thầy Hiệu phó tươi cười đến bắt tay và chúc mừng thành công của buổi giảng đầu tiên. Tôi thật sự xúc động, cảm ơn các đồng nghiệp và thầm hứa sẽ phát huy và làm tốt hơn nữa. 36 năm trôi qua, ký ức về buổi đầu tiên đứng trên bục giảng vẫn còn đọng lại mãi trong tôi như một kỷ niệm không bao giờ quên.

Long Xuân.