Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Đó là  ngày 8/3/1857, công nhân ngành dệt đã đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng vào tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt đã đứng ra thành lập tổ chức công đoàn đầu tiên để bảo vệ và giành được một số quyền lợi cho công nhân.

Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.

Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:“Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Ở nước ta, vào ngày 8/3 hàng năm còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.

Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).

Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do chênh lệch thế và lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài được 2 năm. Hai Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc.

Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại và trong sự nghiệp xây dựng,  bảo vệ Tổ quốc. Tại Việt Nam, để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, hàng năm các cơ quan, đoàn thể và gia đình thường tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Ngày 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Họ vừa là người nội trợ, vừa là lực lượng lao động xã hội đóng góp  sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ sinh thành ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình không chỉ là phái đẹp mà còn là lực lượng lao động xã hội hùng hậu góp sức xây dựng và phát triển đất nước chứ không còn là phái yếu như trước kia.

Ban Biên tập.