Hơn một năm trôi qua, khi đại dịch covid-19 như trận cuồng phong đã càn quét qua 22 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước cùng nhiều nước trên thế giới phải hứng chịu hậu quả năng nề. Dịch diễn biến rất phức tạp khó lường, các cấp chính quyền và người dân phải đối diện với nhiều thách thức cực kỳ nguy hiểm, với đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chứng, tất cả giống như cơn ác mộng. Có thể nói, giai đoạn khốc liệt nhất là 150 ngày (29/4/2021 đến 01/10/2021) không khác gì thời kỳ chiến tranh, cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương phải vào cuộc, phải đương đầu, đó là sự thách thức lớn nhất từ sau ngày 30/4/1975 đến nay.

Trước thực trạng từ một Thành phố, nơi nổi tiếng lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp, tấp nập, là địa phương đạt nhiều thành tựu về kinh tế với hiệu quả cao so với cả nước, vậy mà những ngày ấy tĩnh lặng đến lạ thường, ngoài đường bị cách ly xã hội không khác gì chiến tranh, chiến tranh không súng đạn nhưng lấy đi sinh mạng biết bao con người một cách dễ dàng. Ngoài đường chỉ có tiếng xe cấp cứu qua lại hụ còi inh ỏi, còn cán bộ nhân viên y tế; cán bộ tổ dân phố, khu phố, Phường, Quận, bộ đội luôn có mặt phụ trách phân phối, cấp phát lương thực, thực phẩm đến tay người dân.

Nỗi mất mát đau khổ len lỏi trong từng gia đình có người thân đột ngột ra đi trong sự ngỡ ngàng, một gia đình vào nhập viện 5 người, khi về chỉ còn 2 hoặc 3 người, xác người ngã rạp trong phòng cấp cứu có những người chưa kịp làm thủ tục nhập viện. Trong đại dịch covid-19 vừa qua, bản thân tôi cũng mất đi người chồng, người cha của các con, khi ở bệnh viện cả 2 vợ chồng cùng điều trị bệnh, làm sao tôi không có suy nghĩ được, khi ngày xuất viện, chỉ còn lại có một mình tôi ra về trong buổi chiều buồn ấy.  Ngoài trời mưa nặng hạt, bước chân thật nặng nề, mệt mỏi khi sức khỏe chưa hồi phục, tâm trạng ngổn ngang nhiều suy tư, đường xá vắng vẻ và ảm đạm. Về đến đầu hẻm, những khuôn mặt thân quen trong lối xóm ra chào đón, nhưng sao thiếu vắng quá nhiều người như vậy. Vào nhà nhìn trên bàn thờ là hủ tro cốt của chồng khói hương nghi ngút, quá lạnh lẽo, cảm xúc dâng trào, nhưng cũng phải kềm chế nổi đau không phải riêng mình, những ai đã trải qua nỗi chia ly, mất mát mới thấu hiểu được tâm trạng lúc đó như thế nào. Đành rằng trong cuộc sống, quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ thường, nhưng dịch bệnh đã lấy đi sinh mạng của hàng loạt người một cách nhanh chóng khi chưa ai chuẩn bị tâm lý, quả là một cú sốc lớn, nhất là các cháu còn nhỏ dại mà phải mất đi cha, mẹ. Có những người ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, bỏ lại sau lưng những ước mơ, hoài bão từng ấm ủ chưa thực hiện được.

Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn không quên được tiếng lách cách mở dây xích của cánh cửa thang máy nơi dùng để chuyển xác của những người mất vì nhiễm covid -19 ở tầng 8, Bệnh viện Quận 11 một cách thường xuyên bất cứ ngày hay đêm, bác sỹ, y tá lúc nào cũng bận rộn cũng với các tình nguyện viên giúp đỡ hỗ trợ người bệnh trong bộ áo màu xanh làm việc một cách âm thầm lặng lẻ, những xác chết không có người thân bên cạnh, không có tiếng khóc tiễn đưa, không một nén nhang, khốc liệt là vậy, đau lòng là thế. Nhìn những bước chân vội vã cứu người của những người bác sỹ và các tình nguyện viên vất vả cực nhọc hằng ngày quên đi bản thân mình, mỗi ca trực ở luôn trong bệnh viện là 10 ngày đêm cũng là những chiến sỹ chiến đấu, những khuôn mặt thiếu ngủ và thất vọng khi không cứu được người bệnh, tôi còn nhớ người bác sỹ ấy nắm lấy tay tôi nói “ chú mất rồi cô ạ”, Vậy sao? nhanh vậy sao? mới không đầy 10 phút cấp cứu, Anh ấy ra đi ngay trước mắt tôi đầy tuyệt vọng mà tôi chưa thể chấp nhận sự thật, mọi người lặng lẽ lau mặt anh ấy dùm tôi, bỏ vào chiếc bao màu trắng rồi xịt khuẩn, đưa đi, tôi còn chưa kịp hoàn hồn và không biết phải làm gì, ở đây mọi người đã quen rồi và tôi cũng sẽ quen về những chuyện như vậy. Tôi từng tự trách mình có lẻ nào trong thời gian tiếp xúc thường xuyên với người dân để phục vụ công tác xã hội rồi nhiễm bệnh lây cho chồng, rồi tự an ủi cho vơi bớt nổi buồn dịch bệnh covid-19 không từ một ai coi như là số phận. Bản thân tôi 23 ngày nhiễm bệnh, 15 ngày nằm viện, trong 10 ngày thôi là những cuộc điện thoại báo tử của người dân trong tổ dân phố của tôi chết đến con số 9 người, chỉ là một hẻm cụt 319 Lạc Long Quân, thế là ngày về tôi lại không nhìn thấy những người mình từng chia xẻ, quý mến nhau trong cuộc sống đời thường, những nụ cười hồn nhiên, chất phác dù sống trong nghèo khó, 9 người đó cũng đã ra đi không từ biệt không bao giờ gặp lại. Sau 25 ngày xuất viện tôi lại bị nhiễm bệnh lần 2, các con tôi lo lắng bảo tôi đừng làm Tổ trưởng nữa, tụi con không muốn mất thêm mẹ, tôi lại suy nghĩ khác nếu ai cũng từ chối trách nhiệm thì ai sẽ là người lo cho mọi người, nếu phải chọn thì tôi cũng chọn tiếp tục công việc mình đang làm.

Ảnh trên:Tác giả (trái) trao quà cho người dân trong cơn đại dịch.

 Thời điểm đó nhân viên cán bộ Phường, y tế, Công an là những người vất vả nhất, có lần tôi ở lại Ủy ban nhân dân Phường 3, Quận 11 xuyên đêm để hỗ trợ lập danh sách trợ cấp cho người dân, mới cảm nhận được nỗi vất vả của nhân viên, cán bộ Phường, ban ngày đi chống dịch, tổ chức chích ngừa, phân phối lương thực, ban đêm làm công việc chuyên môn, thức nhiều đêm, nhiều ngày không về nhà, cả cơm cũng không nuốt nổi. Những đội ngũ cán bộ khi đó cũng bị nhiễm bệnh hơn 80%, đôi khi còn chịu sự phiền trách, giận dỗi từ gia đình. Qua đó mới thấy được tinh thần trách nhiệm của anh chị em cán bộ, nhân viên Phường, họ quên đi chuyện cá nhân gia đình cùng nhau chống dịch với tinh thần lạc quan, bản tôi lúc đó nhìn thôi cũng thấy xót lòng.

Ở khu vực tổ 1 là khu dân cư đa số là nhà trọ, khi bị cách ly xã hội, mọi người không thể về quê, đi không được ở lại sợ không có cái ăn vì người lao động kiếm sống, chi tiêu hàng ngày không dư dả, nhưng may mắn tất cả mọi người trong tổ được chính quyền địa phương hỗ trợ thường xuyên từ lương thực, thực phẩm, rau củ quả. Cảm kích nhất khi được trực tiếp Chủ tịch Quận và Chủ tịch Phường, Mặt trận Tổ quốc xuống từng hộ dân quan tâm thăm hỏi và chia xẻ những khó khăn mà người dân phải chịu đựng, mọi người cùng đoàn kết quan tâm nhau để vượt qua đại dịch. Qua đại dịch chúng ta nhận thức thêm đâu là cuộc sống có ý nghĩa, đâu là chân lý cuộc đời, có những mạnh thường quân không hề quen biết cũng chung tay hỗ trợ giúp sức cho người dân mang nhiều ý nghĩa tình người, cả hệ thống chính trị, sự chi viện thuốc trị bệnh của bạn bè quốc tế, kiều bào cũng hướng về quê hương giúp đỡ, anh em trong ngành phóng viên, báo chí cũng kịp thời đưa tin giúp cho dân nắm được diễn biến của dịch covid-19 mà nâng cao cảnh giác phòng chống dịch. Cũng có rất nhiều người hy sinh tính mạng mình vì cứu người khác, những tấm gương ấy cần được trân trọng và ghi nhớ, quên đi nỗi đau tiếp tục sống và làm việc.

Khép lại nỗi đau của đại dịch covid-19, các cấp lãnh đạo cần ổn định cuộc sống người dân, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, vận động người dân phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả tiêm chủng vaccine toàn xã hội để ngăn ngừa dịch covid-19.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính các quy định không cần thiết, không hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất, một môi trường kinh doanh thuận lợi giúp phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả. Linh hoạt trong quản lý điều hành chi tiêu trong ngân sách, tiết kiệm một cách hợp lý, chỉ giải quyết những việc mang tính cấp bách. Do ảnh hưởng chung của toàn thế giới nên Việt nam cũng là nước chịu nhiều khó khăn nên cần có sự chung tay góp sức của cả nước, trong cả hệ thống chính trị thống nhất trên dưới một lòng mới mong sớm phục hồi nền kinh tế nước nhà.

Từ bệnh dịch covid-19 chúng ta cần rút ra kinh nghiệm xương máu, nếu phòng bị tốt thì giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng con người, còn nếu chủ quan lơ là trong việc phòng chống dịch ngay từ đầu thì phải trả giá, do đó cần phải cảnh giác cao độ. Trong thời gian tới, các ngành liên quan cũng cần có phương án, lên kế hoạch phòng chống dịch và phổ biến sâu rộng đến người dân một cách tốt hơn.

Bài, ảnh :Mỹ Phụng-TH